Tiểu sử Nguyễn Văn Vĩnh

TÓM TẮT TIỂU SỬ CỦA HỌC GIẢ NGUYỄN VĂN VĨNH

THÂN THẾ

Nguyễn Văn Vĩnh sinh ngày 15/6/1882 tại thôn Phượng Vũ, xã Phượng Dực, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông (nay là huyện Phú Xuyên, Hà Nội). Ông là con trai đầu lòng của thân phụ là Nguyễn Văn Trực (người gốc Phượng Vũ). Thân mẫu không rõ tên (do tập quán xưa kia, khi người phụ nữ lấy chồng sẽ mang tên chồng). 

Sau thời điểm này, Nguyễn Văn Trực đưa cả gia đình lên ở nhờ và tìm kế sinh sống tại nhà một người họ hàng bên ngoại, ở số nhà 46 phố Hàng Giấy, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Để đỡ đần gia đình về kinh tế, Nguyễn Văn Vĩnh được cho đi chăn bò thuê ngoài bãi sông Hồng (nay là khu vực chân cầu Long Biên- Doumer hoàn thành năm 1902).

HỌC VẤN VÀ NGHIỆP CÔNG CHỨC

Năm lên 8 tuổi, bỏ việc chăn bò thuê, Nguyễn Văn Vĩnh xin được làm công việc kéo quạt mát (lúc đó chưa có điện) cho lớp học của người Pháp, dạy các học viên đã đỗ tú tài, hương cống (cử nhân), học để làm thông ngôn (phiên dịch). Cơ sở giáo dục này được gọi là trường Hậu bổ (Được bổ nhiệm ngay sau khi tốt nghiệp).

Hiện nay, mái trường vẫn còn nguyên vẹn, nằm trong khuôn viên trường phổ thông cơ sở Mạc Đĩnh Chi, quận Ba Đình, Hà Nội (sát hồ Trúc Bạch).

Khi 10 tuổi, lớp học do Nguyễn Văn Vĩnh ngồi kéo quạt mãn khoá, Nguyễn Văn Vĩnh được nhà trường cho phép thi cùng các học viên. Nguyễn Văn Vĩnh đã đỗ thứ 12 trong số 40 học viên của khoá học.

Vì còn quá nhỏ, nhà trường đã cho phép Nguyễn Văn Vĩnh được học lại từ đầu miễn phí, khóa chính thức 4 năm. Kết thúc khóa học, Nguyễn Văn Vĩnh đỗ đầu (thủ khoa).

15 tuổi; Nguyễn Văn Vĩnh được đưa đi làm thông ngôn (phiên dịch) tại tòa xứ Lào Cai (1897).

17 tuổi; Nguyễn Văn Vĩnh được điều chuyển về tòa xứ Hải Phòng, tại đây Vĩnh đã tự tốt nghiệp phổ thông nhờ việc mua lại từ một thuỷ thủ người Anh, bộ sách giáo khoa tiếng Pháp (Encyclopédie autodidactique quilet – Sách tự học chương trình phổ thông).

18 tuổi; người mẹ Nguyễn Văn Vĩnh qua đời, để bố bớt phần phiền muộn của người cha, Nguyễn Văn Vĩnh quyết định lập gia đình với bà Đinh Thị Tính (sinh năm 1881, ở số nhà 12 ngõ Phất Lộc, Hà Nội- Nay thuộc phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm).

20 tuổi; Nguyễn Văn Vĩnh được điều chuyển công việc từ Hải Phòng về Tòa xứ tỉnh Bắc Giang (bao gồm cả Bắc Ninh).

24 tuổi; tức năm 1906, Vĩnh được về Tòa Đốc lý Hà Nội, đi theo Chánh xứ Hause được bổ nhiệm làm Đốc lý Hà Nội.

Cùng năm, Vĩnh được cử đi Hội chợ Thuộc địa (Đấu xảo) tổ chức tại thành phố cảng Mác xây (Marseille) Pháp. Kết thúc thời gian hội chợ, Nguyễn Văn Vĩnh xin ở lại thêm 3 tháng.

Trở lại Việt Nam, Nguyễn Văn Vĩnh xin thôi làm công chức Tòa Đốc lý Hà Nội, chính thức theo nghiệp làm báo chí tự do. Tính từ thời điểm này cho đến khi qua đời, Nguyễn Văn Vĩnh không nhận và không giữ bất kỳ vị trí hành chính nào, trong hệ thống cai trị của chính quyền đương thời.

SỰ NGHIỆP VĂN HÓA – CHÍNH TRỊ – XÃ HỘI

Năm 1906, do thay đổi địa bàn công tác, gia đình Nguyễn Văn Vĩnh chuyển từ Bắc Ninh về Hà Nội, ở số nhà 39 phố Mã Mây, quận Hoàn Kiếm. Nơi đây trở thành điểm hội tụ của các thân sỹ danh tiếng như Phạm Duy Tốn, Phan Kế Bính, Phạm Huy Lục, Nguyễn Đỗ Mục, Dương Bá Trạc… Những người sau này đều là thành viên nổi bật của Phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục (ĐKNT).

Tháng 3.1907, Nguyễn Văn Vĩnh chính thức đứng đơn gửi Nhà Cầm quyền xin thành lập trường ĐKNT ở số 10 phố Hàng Đào, do Lương Văn Can làm Thục trưởng.

Tham gia ĐKNT, Nguyễn Văn Vĩnh lĩnh hội việc dạy môn chữ Quốc ngữ, Pháp văn và đảm nhiệm môn học thử nhiệm, môn Diễn thuyết.

Cùng thời kỳ này, Nguyễn Văn Vĩnh có quan hệ với một người Pháp gốc Đức, là Francois Henry Schneider, là chuyên gia về xuất bản và in ấn, người đã ký hợp đồng với Chính phủ Bảo hộ về việc thành lập ngành xuất bản ở Việt Nam.

Schneider đến Nam kỳ từ năm 1882, là vùng theo quy chế chính trị Thuộc địa. Schneider đã hợp tác thử nhiệm với Trương Vĩnh Ký và Huỳnh Tịnh Của, nhưng không đạt được kết quả như mong muốn.

Thông qua mối quan hệ với Schneider, Nguyễn Văn Vĩnh đã chính thức là Chủ bút của tờ báo tiếng Việt đầu tiên ở Bắc kỳ, tờ Đăng cổ tùng báo (1907). Sự nghiệp làm báo chính thức của Nguyễn Văn Vĩnh bắt đầu từ đây.

Trong sự nghiệp làm báo, Nguyễn Văn Vĩnh là chủ bút của 07 tờ báo cho đến khi từ giã cõi đời. Trong đó có 04 tờ báo chữ Quốc ngữ, và 03 tờ báo tiếng Pháp. Tờ báo cuối cùng trong sự nghiệp, là tờ báo tiếng Pháp L’Annam nouveau – Nước Nam mới. Đây là tờ báo quy mô nhất trong cuộc đời làm báo của mình.

L’Annam nouveau – Nước Nam mới được lập nên, hoàn toàn bằng việc hùn vốn tài chính của Nguyễn Văn Vĩnh và các đồng sự cùng quan điểm chính trị, nhằm đối chọi với luật cấm viết tiếng Việt của Nhà Cầm quyền với riêng Nguyễn Văn Vĩnh. Đồng thời, thay vì được phép thành lập đảng phái, Nguyễn Văn Vĩnh và các đồng sự thành lập công ty văn hóa, và tờ báo là tiếng nói của tổ chức này.

L’Annam nouveau – Nước Nam mới, là tờ báo công khai chống lại chủ trương Quân chủ Lập hiến, một đường lối chính trị của Thực dân Pháp muốn duy trì vai trò của Triều đình Phong kiến Việt Nam, hình mẫu chính trị mà Nguyễn Văn Vĩnh đã ra sức lên án từ những năm đầu thế kỷ 20, vì tính chất bù nhìn của nó.

L’Annam nouveau – Nước Nam mới, là tờ báo thành công nhất trong sự nghiệp báo chí của Nguyễn Văn Vĩnh, là tờ báo duy nhất trong lịch sử báo chí Việt Nam được nhận giải thưởng GRAND PRIX tại Hội chợ Báo chí Thuộc địa ở Paris năm 1932. Tờ báo đồng thời cũng gây hệ lụy chính trị nặng nề nhất, liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Văn Vĩnh.

Để phục vụ cho nội dung các tờ báo do mình làm chủ bút, phục vụ cho mục tiêu quảng bá và phổ cập chữ Quốc ngữ, tìm cách thay thế vai trò của chữ Hán và Pháp văn, Nguyễn Văn Vĩnh đã thực hiện việc dịch các tác phẩm văn học, triết học từ chữ Nôm ra Quốc ngữ, từ Hán văn ra Quốc ngữ, từ Pháp văn ra Quốc ngữ, từ Hán văn ra Pháp văn và từ Quốc ngữ ra Pháp văn.

Nguyễn Văn Vĩnh bắt đầu dịch sách tiếng Pháp ra chữ Quốc ngữ từ khi còn rất trẻ, năm 1899-1900, bắt đầu từ cuốn Lịch Sử Nước Pháp khi mới 17 tuổi. Năm 18 tuổi là các cuốn: Contrat social (Khế ước xã hội-Còn được gọi là Dân ước) của J.J. Rousseau ‘1772-1778’, nhà triết học, Esprit dé lois (Tinh thần Pháp luật) của Montesquieu ‘1689-1755’, nhà tư tưởng chính trị, Traité de l’Esprit (Hiệp ước Thánh linh) của Helvétius ‘1715-1771’, nhà triết học.

Số lượng các trang dịch của Nguyễn Văn Vĩnh từ Pháp văn ra Quốc ngữ là lớn nhất, bao gồm của nhiều tác giả và tác phẩm nổi tiếng trong lịch sử văn hoá của nhân loại, đồng thời những cuốn sách dịch của Nguyễn Văn Vĩnh cũng là những tác phẩm lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam được in bằng chữ Quốc ngữ vào những thập niên đầu tiên của thế kỷ XX.

Tổng số đầu sách Nguyễn Văn Vĩnh đã dịch vào khoảng 30 tác phẩm của khoảng 20 nhà bác học, nhà khoa học, nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà phê bình nổi tiếng của châu Âu và thế giới. Ba tác phẩm gần gũi với bạn đọc nhất là: Tập truyện thơ ngụ ngôn của La Phông Ten (La Fontaine), Tiểu thuyết Những người Khốn khổ của Victo Huygo (Victor Hugo) và Ba chàng ngự lâm pháo thủ của Alếcxăng Duma (Alexander Dumas).

Tồn tại với vai trò là một nhà báo tự do, song thực chất Nguyễn Văn Vĩnh là người hoạt động trong nhiều lĩnh vực: văn hóa, xã hội và chính trị. Làm văn hóa trong một bối cảnh ở một đất nước cực kỳ lạc hậu do ảnh hưởng của xã hội Phong kiến cùng với sự thống trị hà khắc của chế độ Thực dân kiểu cũ, Nguyễn Văn Vĩnh đã tự nhận mình là “Tân Nam Tử – Người Nam mới” từ  năm 1905.

Nguyễn Văn Vĩnh đã luôn đòi cải cách, thay đổi quan niệm cũng như lối sống lạc hậu của xã hội Việt Nam… Điều đó đã khiến ông mặc nhiên tự đặt mình vào vị trí của kẻ đối lập với nền chính trị đương thời.

Năm 1921, Nguyễn Văn Vĩnh chính thức chia tay với Francois Henry Schneider (hết hạn về Pháp). Từ thời điểm này, Nguyễn Văn Vĩnh đã thực sự độc lập trước hệ thống cầm quyền, cả về nghĩa bóng lẫn nghĩa đen.

Năm 1926, Nguyễn Văn Vĩnh cùng một người Pháp là Emil Vayrac, tổ chức thành lập Trung tâm Âu Tây tư tưởng – La Pensée de l’Occident  (Trụ sở đặt ở số nhà 1-3 phố Hàng Gai, nhìn ra Hồ Gươm, Hà Nội- Nay là quảng Trường ĐKNT).

Phần lớn nội dung các bài viết ký tên Nguyễn Văn Vĩnh trên 07 tờ báo do ông làm chủ bút, tư tưởng chủ đạo của Nguyễn Văn Vĩnh là: phổ biến, quảng bá và đề cao vai trò của chữ Quốc ngữ, hướng người đọc đến khả năng viết văn bằng chữ Quốc ngữ, từ đó làm cơ sở để mở rộng sự hiểu biết nhờ việc đọc, dần thay đổi tư duy cũ ảnh hưởng nặng nề của xã hội phong kiến và lối sống lạc hậu.

Khích lệ, định hướng cho quần chúng hiểu về những khái niệm dân chủ, bình đẳng, tự do và tiến bộ. Điều này, đi ngược lại với chính sách cai trị của Chính phủ thuộc địa. Nhà cầm quyền đã nhiều lần thương lượng, mặc cả và cả đe doạ, yêu cầu Nguyễn Văn Vĩnh phải ‘hợp tác’ với Chính phủ, chấm dứt việc lên án các chính sách của Chính phủ Thuộc địa và Triều đình Huế, thông qua hoạt động báo chí và xuất bản.

Tuy nhiên, các cuộc ‘đàm phán’ giữa Nhà Cầm quyền với Nguyễn Văn Vĩnh đều thất bại!

Năm 1931, mâu thuẫn giữa đôi bên lên đến cao độ, Nguyễn Văn Vĩnh  chứng minh tính hợp lý của học thuyết Trực trị do ông đề xướng, xây dựng nền cộng hòa, xóa bỏ vai trò trung gian trong hệ thống cai trị của Triều đình Huế, lập ra một nước Việt Nam có hiến pháp, có nghị viện và tôn trọng quyền con người.

Đầu năm 1935, giọt nước tràn ly, Chính phủ Bảo hộ hết kiên nhẫn trước tư tưởng của Nguyễn Văn Vĩnh, quyết định bẻ gãy ngòi bút của ông bằng giải pháp: xiết nợ…để phải phá sản! Ba điều kiện của nhà cầm quyền dành cho Nguyễn Văn Vĩnh trong lần mặc cả cuối cùng nếu không muốn bị phá sản là:

1/ Nhận làm Thượng thư cho Triều Đình Huế (Bộ trưởng).

2/ Đi tù (dù chỉ 1 ngày).

3/ Đi đào vàng bên nước Lào (Sê Pôn-Tchépone) để trả nợ.

Tháng 3 năm 1936 Nguyễn Văn Vĩnh đã chọn giải pháp thứ Ba.

Ngày 1/5/1936, sau một đêm mưa gió, ngưòi ta tìm thấy Nguyễn Văn Vĩnh, một thân một mình trên một con thuyền độc mộc giữa dòng sông Sê Băng Hiêng (tên gọi một đoạn của sông Sê Pôn), toàn thân đã tím đen, nhưng một tay vẫn giữ chặt cây bút và tay kia là quyển sổ đang viết dở.

Thuyền cập vào chân cầu Sê Pôn, những người dân bản xứ đã đưa Nguyễn Văn Vĩnh lên trạm y tế của thị xã Sê Pôn, nhưng …vô vọng! Nhà chức trách đã báo về gia đình rằng: Nguyễn Văn Vĩnh chết vì sốt rét…!

Cùng thời gian này, Nhà Cầm quyền đã hoàn tất chóng vánh việc phát mại toàn bộ tài sản của ông bao gồm: nhà in báo, tòa soạn báo, nhà cửa, vườn tược với giá chỉ bằng 20% giá trị thật, chấm dứt sự nghiệp cầm bút của ông, đẩy toàn bộ gia đình Nguyễn Văn Vĩnh vào cảnh khuynh gia bại sản, ly tán muôn đời!

Một tổ chức tiến bộ mà Nguyễn Văn Vĩnh là hội viên, có nguồn gốc từ nước Anh  tên gọi là “Hội Tam điểm – Franc Maconnerie” (biểu tượng là chiếc êke) đã đứng ra lo toan, từ việc chuyển thi hài ông bằng tầu hỏa về đến Hà Nội, đến việc tổ chức lễ tang, túc trực bên linh cữu trong suốt hai đêm và một ngày, tại trụ sở Hội Tam điểm ở số nhà 107 phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Hàng vạn người dân Hà Nội đã đến tiễn đưa Nguyễn Văn Vĩnh về nơi an nghỉ cuối cùng.

Trong đám tang đặc biệt này (Nguyễn Văn Vĩnh không có chức sắc, quyền thế trong hệ thống chính trị, không phải thương nhân giàu có), người ta thấy đã có mặt hầu hết các nhân sỹ nổi tiếng cùng thời, những người lao động, những người dân thủ đô và các vị là đại diện của các chính giới trong xã hội đương thời, đều đã đến nghiêng mình trước linh cữu một người được xướng danh là  “Người công dân vĩ đại”.

Trong sáu bài điếu văn được đọc trước khi hạ huyệt, với không biết bao nhiêu lời thương tiếc, không biết bao nhiêu lời ngợi ca. Nhưng không thể không nhắc đến đoạn điếu văn sau đây của ông Delmas, Chủ tịch Hội quyền con người, chi nhánh Hà Nội (Discours de M.Delmas, President de la Ligue dé Droits de L’Homme et du Citoyen Section de Hanoi) để thấm thía cái xót xa khi xã hội mất đi một người như Nguyễn Văn Vĩnh:

“… Ông là người đã tìm thấy những kho báu quý hiếm nhất, còn hơn cả những đống hạt vàng ghê tởm. Ông đã để lại phía sau một hàng ngũ hậu thế đông đảo, những người học trò, những người bạn chân thành ngập trong sự đau thương.  Cả một dân tộc biết ơn những công lao do ông để lại, một công lao không có sự lầm lỗi và một quá khứ không có vết nhơ…”

CÁC MỐC QUAN TRỌNG TRONG CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP

CỦA NGUYỄN VĂN VĨNH

1896: Thông ngôn (phiên dịch) cho Tòa sứ Lao Cai.

1898: Thông ngôn cho Tòa sứ Hải Phòng.

1900: Lập gia đình.

1903: Thông ngôn cho Tòa sứ Bắc Giang (đặt tại thị xã Bắc Ninh).

1905: Thư ký Tòa Đốc lý Hà Nội.

1906: Quản lý gian hàng Đông dương tại hội chợ thuộc địa Mác Xây – Pháp.

  • Người Việt Nam đầu tiên được kết nạp vào Hội Nhân quyền Pháp
  • Khi trở về Việt Nam, chấm dứt làm công cho Tòa Đốc lý Hà Nội.

1907: Tham gia tổ chức Phong trào Đông kinh Nghĩa thục.

1907: Chủ bút báo, “Đại Nam đăng cổ tùng báo”.

  • ĐKNT bị khủng bố, Phan Châu Trinh bị bắt, Nguyễn Văn Vĩnh là người Việt Nam duy nhất, ký đơn kiến nghị gửi Toàn quyền Đông Dương đòi thả Phan Châu Trinh vì vô tội.

1908: Chủ bút báo tiếng Pháp “Notre Journal”.

1910: Chủ bút báo tiếng Pháp “Notre Revue”. Cùng Phan Kế Bính, dịch và phát hành bộ truyện dã sử Trung Hoa Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa bằng chữ Quốc ngữ.

1911: Trợ lý cho Tòa soạn báo “Lục tỉnh Tân văn”- Sài Gòn.

1913: Chủ bút tờ “Đông Dương Tạp Chí”.

  • Lần đầu tiên cho phát hành Kim Vân Kiều bằng chữ Quốc ngữ.

1917: Chủ bút báo “Trung bắc Tân văn”, tờ nhật báo đầu tiên ở Việt Nam.

  • Bị tuyên bố xử trảm do mắc tội khi quân (Bắt tay vua Khải Định).
  • Từ chối nhận Kim khánh của Nhà Vua.

1919: Chủ nhiệm tờ “Học báo” – Chủ bút Trần Trọng Kim.

1922: Đi dự Hội chợ Thuộc địa Mác Xây lần hai.

Kết hợp thăm, tìm hiểu công nghệ in và xuất bản tại Đức. Trở lại Việt Nam, thay, đổi mới toàn bộ dây chuyền công nghệ in ấn của Nhà in Trung Bắc Tân Văn, bằng các thiết bị kỹ thuật mới được mua của Đức.

1926: Thành lập Trung tâm sách Âu Tây Tư Tưởng.

  • Gặp và đàm đạo với Phan Bội Châu tại Huế.
  • Bị câu lưu tại cơ quan Anh ninh Phủ Toàn quyền do quan hệ với Phan Bội Châu.

1931: Thành lập tờ báo tiếng Pháp “L’Annam nouveau”.

  • Từ chối nhận Bắc Đẩu Bội Tinh của Chính phủ Pháp.

1932: Từ chối làm Thượng thư cho Triều đình Huế.

1933: Nhà Cầm quyền xiết nợ và phát lệnh bắt.

1935: Nhà Cầm quyền xiết nợ, tịch biên toàn bộ tài sản.

  • Phá sản

1936: Tháng Ba, chấp nhận đi đày sang Lào với danh nghĩa “tìm vàng” trả nợ.

1936: Ngày 2/5/1936 xác được tìm thấy trên thuyền ở sông Sê Pôn, Nam Lào.

Ngày 8/5/1936 tang lễ được tổ chức tại Hà Nội.

Hiện phần mộ Nguyễn Văn Vĩnh nằm trong khu nghĩa trang xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, ngoại thành Hà Nội cùng hai chục người thân, trong đó có người vợ cả Đinh Thị Tính.

 

Hiệu đính nội dung lần cuối ngày 2.3.2019

BBT.tannamtu.id.vn

 

Chủ đề khác

Categories

Tìm kiếm

Tags

April 2024
M T W T F S S
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
2930  

Social Network

10 Responses

  1. “:…lớp học của người Pháp dạy các học viên đã đỗ tú tài, cử nhân , học để làm thông ngôn…”
    Vào thời đó, VN đâu có mấy người có bằng tú tái, nói chi tới cử nhơn (Tây học), để học thêm 4 năm đào tạo ra ông thông (ngôn). Thông ngôn đâu cần bằng tú tài, cử nhân Tây học.
    Có lẽ đó là tú tài, cử nhân Hán học. Nếu vậy xin đính chánh .
    Trinh Q.Thuận, Ph.D.

    1. Xin chào bạn Nam Phong!
      Xin cảm ơn thiện tình của bạn với đề tài học giả Nguyễn Văn Vĩnh!
      Nếu được, xin bạn gửi cho chúng tôi địa chỉ mail, để khi chúng tôi công bố tư liệu mới, sẽ thuận lợi hơn trong việc thông tin đến bạn!
      NLB.

  2. Tôi đã đọc quyển Người man di hiện đại và học được nhiều thứ từ quá khứ qua ngòi bút của cụ Nguyễn Văn Vĩnh, rất thú vị….chỉ mong là những gì ông đã viết sẽ được tập hợp lại thành hệ thống toàn tập, hay chí ít cũng là tuyển tập để có thể đến được với công chúng nhiều hơn sau này về quá khứ của đất nước và dân tộc, và trên hết những tư tưởng của Nguyễn Văn Vĩnh thực sự rất giá trị về ý nghĩa lịch sử trong dòng chảy của lịch sử tư tưởng Việt Nam đầu thế kỷ XX.

    1. Thưa ông Nguyễn Hữu Sơn!
      Xin chân thành cảm ơn sự quan tâm và những đánh giá của ông về đề tài Nguyễn Văn Vĩnh, cũng như lòng tin ông dành cho trang web Tannamtu.com!
      Trong các bài viết của mình, chúng tôi đã nói về hoàn cảnh thực tế hiện nay, chúng tôi đã từng hy vọng ở sự chia sẻ của xã hội và công chúng về việc tổng hợp những di cảo do Nguyễn Văn Vĩnh để lại. Đây là công việc đòi hỏi rất nhiều sự lao động của nhiều người trong nhiều thời gian.
      Trong kiến nghị tôi gửi tới những cơ quan có trách nhiệm năm 2011, tôi đã đề nghị Nhà nước Việt Nam cần thành lập một Hội đồng Khoa học, để xem xét và đánh giá đúng, những đóng góp của Nguyễn Văn Vĩnh trong lịch sử phát triển văn hóa ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20.
      Tuy nhiên, tôi và các cộng sự của mình, trong phạm vi có thể, sẽ tiếp tục nỗ lực giới thiệu với công chúng những tư liệu, những di cảo và những tư tưởng mà Nguyễn Văn Vĩnh đã từng theo đuổi trong quá trình thực hiện cuộc cách mạng khai dân trí, nhằm giúp cho các thế hệ đi sau hiểu rõ hơn những cố gắng của ông trong việc xây dựng một đất nước nước phát triển và một dân tộc tiến bộ.
      Xin chúc sức khỏe ông Nguyễn Hữu Sơn và mong ông tiếp tục chia sẻ với chúng tôi những suy nghĩ của mình khi có thể!
      Trân trọng!
      Nguyễn Lân Bình.

  3. Chào anh Nguyễn Lân Bình,
    Anh và gia đình mình có phát hành bộ phim “Mạn đàm về người Man di hiện đại” qua đĩa DVD không? Nếu có thì em có thể đặt mua ở đâu? Mong anh cho em biết thông tin. Cám ơn anh rất nhiều.
    Trân trọng,
    Nguyễn Mạnh Hùng

Leave a Reply to Nguyễn Lân Bình Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *