Tản mạn Tết – Etude sur le Tet (L’Annam Nouveau – Báo Nước Nam mới, số 417, phát hành ngày 10/2/1935)

 

“Ngày nay, Tết vẫn còn được đông đảo người dân chào đón, dù không hoàn toàn theo những nghi lễ cổ truyền, thì chí ít cũng theo những màu sắc vừa truyền thống vừa đáp ứng nhu cầu của đời sống hiện nay. Vì vậy, những ai quan tâm đến thời quá vãng cũng nên để ý xem xét tới những sắc thái khác nhau trong suy nghĩ của người An Nam thể hiện qua nét phong tục mộc mạc mà đầy cảm động này.”

(Lời dẫn của báo Du lịch Việt Nam số Tết Xuân Mậu Tý năm 2007, trong số báo này có đăng lại bài viết “Tản mạn Tết” của nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh. Tòa soạn báo Du lịch đã chỉnh sửa bài dịch từ tiếng Pháp của ông Nguyễn Kỳ (con trai thứ 6 của Nguyễn Văn Vĩnh. Thể theo nguyện vọng của các bạn độc giả, trang thông tin tannamtu.com xin đăng lại bài báo này như đã hứa hẹn trong những ngày cuối năm 2012.

TẢN MẠN TẾT

(Etude sur le Tet)

(L’Annam Nouveau – Báo Nước Nam mới, số 417, phát hành ngày 10/2/1935)

Một năm qua đi, đối với đồng bào chúng ta là một thời điểm có tầm quan trọng đặc biệt. Nó thật sự đánh dấu sự kết thúc của một cái gì đó. Cuộc sống nói chung còn rất nhiều khó khăn, vì vậy sẽ thất vọng biết bao nếu nghĩ rằng khi năm cũ vừa qua đi thì những ngày trong năm mới lại tiếp tục chẳng khác gì những ngày đã qua, mặc dù là theo kinh nghiệm hoặc theo tính toán xác xuất thì ai cũng biết là có rất ít cơ sở để mọi chuyện thật sự đổi khác.

Ngay sau các mùa gặt, đôi khi chúng ta lo âu, tính toán khoảng cách với thời khắc cuối năm, thời điểm mà đáng lẽ ra cần phải được hân hoan đón mừng, nhưng thường thì đầy những thất vọng và bất ngờ.

“Giời ơi, thời gian trôi nhanh quá, chỉ còn một tháng nữa thôi là đến Tết!” Người nông dân An Nam thở dài thốt lên ngay từ đầu tháng Chạp.

Có phải là thời điểm cuối năm đối với dân tộc ta, vốn có thói quen kết toán theo năm cũng giống thời điểm cuối tháng của những người làm thương mại, hay kết sổ hằng tháng chăng? Vậy thì may thay chúng ta chỉ có một lần như thế trong cả năm.

Kiểm kê tài sản vẫn hay là cái cớ để hằng năm, những người bán hàng ngày nay viện vào đó để đòi nợ. Còn việc kiểm kê của những người nông dân An Nam thì không hề tuân theo những phương pháp kế toán nào, mà cũng chẳng có ghi chép gì cả, mà được làm theo phương pháp tính trọn, tính đủ cho mỗi năm và không chấp nhận chuyển nợ nần sang năm mới. Cách làm đó đã trở thành một nỗi ám ảnh khủng khiếp đối với những con người nghèo khó, chẳng biết lấy gì mà thanh toán cho chủ nợ vào dịp cuối năm.

Pháp luật và tòa án dù là của bản địa đi chăng nữa cũng không cần biết đến cái vấn nạn này, và cũng chẳng hề can thiệp vào những chuyện thanh toán nợ nần ấy. Phép nước vốn vẫn thua lệ làng; những con người văn minh hiện đại làm sao biết và hiểu được cái hiệu quả đáng sợ của những sự bó buộc theo lệ vẫn luôn ngự trị trong xã hội ở nông thôn, cũng như ở toàn cõi An Nam nói chung. Ở đó, ngững quyền lợi do pháp luật quy định chẳng nghĩa lý gì so với những quyền hành to lớn mà thói tục dành cho chủ nợ.

Mười ngày cuối năm gần như là 10 ngày cuối cùng của nhân thế.

“Năm hết Tết đến” trở thành một lý do mà ai cũng viện đến, một thứ mãnh lực có cả hai mặt tích cực và tiêu cực. Nó đầy hiệu nhiệm khi người ta quyết định cố gắng toàn diện một công việc còn đang dang dở, hoặc khi người ta ngừng lại tất cả mọi hoạt động. Phải hoàn tất mọi việc, vì rằng năm đã hết rồi. Mà cũng phải dừng lại mọi chuyện cũng vì lý do đó. Nhưng thường, cuối năm là một lý do chính đáng để người ta khỏi phải bắt đầu những khó khăn mới ngay vào những ngày đầu tiên của năm mới.

Cứ gác lại đầu sang năm hẵng hay… “Ngày rộng… tháng dài” mà! Người ta hay biện hộ như vậy khi chuyển sang năm mới với những công việc cực nhọc và chưa muốn thực hiện.

Cái lý lẽ “vẫn còn khối thời gian” sau Tết là một ảo tưởng quá lớn, ảnh hưởng đến những bộ đầu không hề có chút lập trường gì. Trong một chừng mực nào đó, đó chính là những cảm giác của những kẻ do bị áp lực quá lớn trong việc thanh toán nợ nần vào giai đoạn cuối năm. Người ta sẽ có được diễm phúc nếu đủ khá giả để không phải chịu cái áp lực giả nợ đưa lại.

Vả lại, đây chính là lúc nhàn rỗi của một bộ phận người lao động, những người may mắn vì đã có được một năm bội thu, để dành chút ít, để dư dả ăn mừng năm cũ và mong năm tới sẽ được hơn thế nữa. Nhân lúc nhàn nông, họ được nghỉ ngơi dài dài, vui chơi thưởng ngoạn đây đó. Những người ấy, họ có quyền tự nhủ: Tôi sẽ kết mọi chuyện của năm cũ để còn lo tết nhất! Mặc kệ luôn cả năm mới với những toan tính mới, hay cả những chuyện từ năm cũ còn dở dang!

Đối với mỗi người chúng ta, những gì phải làm trong những ngày Tết hoàn toàn tùy thuộc vào các mối quan hệ mà chúng ta có. Tặng quà, đến thăm những ai ta phải trả ơn: cấp trên này, ân nhân này, người bảo hộ, chủ nợ, người cho ta vay, cho ta nhờ cậy… Khi bạn ở vào địa vị chẳng cao mà cũng không thấp, thì những đối tượng chiếu trên, bạn chỉ nên ghi vào sổ để nhớ, bởi lẽ, bạn cũng sẽ nhận được số quà ngang với số sẽ phải đem biếu. Chính những kẻ khác đã làm một việc trao đổi nhau thông qua bạn, bạn chỉ thực sự mất công “điều phối”. Làm sao tránh được việc phải lại quả. Việc có đi có lại dễ trở nên nặng nề, nhất là khi phải cho nhiều hơn nhận! Nhưng cũng có người thì ngược lại. Cái gánh nặng lớn nhất vẫn luôn đè trên đôi vai của những người nghèo khó; suốt đời họ cứ phải chịu ơn tất cả mà chẳng bắt được ai phải chịu ơn mình.

Nếu coi quà Tết chỉ là phương tiện để quảng cáo đối với những nhà buôn hiện đại, thì đối với người dân An Nam chúng ta nó lại mang những ý nghĩa khá phức tạp. Để thực lòng biết ơn, người ta tỏ hết tấm lòng. Tấm lòng chân thật ấy chính là sự hy sinh thật sự của những người nghèo khó, chấp nhận mọi hy sinh để chứng tỏ với ân nhân của mình việc sẵn sàng chịu đựng để được ân nhân quan tâm đến mình, dù chỉ là chốc lát, nhất là đối với những người đã từng cứu giúp mình. Cũng vì thế mà quà biếu chân thành được người ta gọi là: “vi thành” hay “vi thiềng” (ý chứng tỏ lòng thành). Cách dùng thứ hai “vi thiềng” được dùng phổ thông hơn, bởi lẽ ngoài việc thể hiện sự thành tâm, nó còn có sự thành kính. Trong nhiều trường hợp, người ta tránh từ “thành” để không trùng với tên của ân nhân, hoặc tên của người thân ngay trong nhà mình, mắc lỗi phạm húy.

Vậy nhưng những kẻ đầu óc méo mó, hay lạm dụng những điều tốt và cuối cùng, việc dùng từ “vi thiềng” lại để chỉ mọi thứ quà biếu cho những nhân vật quyền thế nào đó, hoặc để trả ơn, hoặc để tranh thủ tình cảm cho những toan tính mà họ muốn thực hiện trong tương lai. Ngày nay, khi từ ngữ đó được nói với một giọng điệu nào đó, nó thường gợi lên một nụ cười châm biếm.

Quan hệ giữa những kẻ ngang hàng, quà Tết hàm chứa không biết bao nhiêu điều ý nhị. Có khi, việc trao đổi quà chỉ đơn giản là thể hiện tình bằng hữu và theo những cách thức tinh tế, rất khó mà quy kết được vào bất cứ nguyên tắc nào. Cũng có khi, quà là một sự củng cố một mối quan hệ có khả năng sắp bị rơi vào quên lãng, nên việc tận dụng dịp Tết để hâm nóng lại là một hành xử tích cực; có đi thì sẽ có lại, bằng cách đó, người ta tận dụng vừa để cảm ơn nhau, vừa để đánh giá về nhau thông qua giá trị của món quà được dùng để trao cho nhau.

Quà biếu, bản chất là để tỏ lòng đối với cấp trên hay các bậc trưởng thượng. Vì thế, những kẻ ngang hàng nhau cũng nên tìm đúng nguyên cớ để đem tặng quà nếu không muốn bị cho là tìm cách lấy lòng nhau. Hãy ưu tiên cho lý do những kẻ nhận quà có cha mẹ già, hoặc đông con cái. Những trường hợp như thế, khi nhận được quà biếu, người ta thấy nó thể hiện sự bằng hữu, sự quan tâm đến hoàn cảnh và kẻ nhận được cũng liệu để phúc đáp trở lại cho phải đạo.

Niềm vui khi cho, cũng không khác niềm vui lúc nhận, nhất là những món quà biếu lại do chính tay mình làm ra. Dành cho bạn bè những món quà do chính bàn tay khéo léo của người vợ mình làm ra là cách tốt nhất để khiến cho người nhận phải cảm phục.

Tôi chỉ xin viết ra đôi điều nho nhỏ về chủ đề ngày xuân, vậy mà cũng thấy cái sự tản mạn này dài quá rồi. Thôi, tôi cũng xin dành lại cho những vị khác bổ xung thêm vào cái đề tài nghiên cứu to tát này, mà tôi chỉ mới khởi đầu một cách vụng về.

Nguyễn Văn Vĩnh

Người dịch: Nguyễn Kỳ và Ái Thương

Biên tập và chỉnh sửa: BBT tannamtu

130104_odongxuanngaytet
Chợ Đồng Xuân ngày tết xưa – Ảnh internet

130104_chohoa

130104_tethanoi
Chợ hoa tết xưa – Ảnh internet

130104_ngbachhoangaytet
Cửa hàng bách hóa phân phối hàng tết xưa – Ảnh internet
130104_cuahangbanphap
Cửa hàng bán pháo – Ảnh internet

130104_ongdo
Ông đồ cho chữ ngày tết – Ảnh internet
130104_chohoangaytet
130104_chohoadao
130104_quatcanhtet
Chợ hoa tết nay – Ảnh internet
130104_gioqua
130104_tetnay
Giỏ quà và chiếc bánh chưng ngày nay – Ảnh internet
130104_lx
Tục cúng tổ tiên và lì xì – Ảnh internet

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tìm kiếm

April 2024
M T W T F S S
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
2930  
April 2024
M T W T F S S
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
2930  

Social Network