VÌ SAO TÔI NGỜ VỰC CÁC CHỨC DANH Ở VIỆT NAM?

Thưa các quý vị và các bạn!

Đề tài nhà dịch thuật, nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh, thường được một số nhà nghiên cứu khoa học xã hội ở Việt Nam trong hơn 70 năm qua, gán cho một ‘thuật ngữ’ rất dễ làm cho người quan tâm rơi vào tâm lý e ngại, thậm chí e sợ, đó là cụm từ GAI GÓC!

Suy ngẫm về cụm từ này, không nhất thiết phải là người học rộng, hiểu sâu, mà đầu tiên người đọc sẽ thấy hiện lên trong tâm trí của mình cái nghĩa đen của sự ‘gai góc’. Cụm từ đó khi áp vào các vấn đề xã hội, người quan tâm bị đặt vào tâm thế phải ‘thận trọng’ nhìn theo nghĩa bóng, vì nó… ‘gai góc’!

Bản năng con người, thường tìm cách né tránh những gì có tính phức tạp, gai góc, nôm na thường gọi là ‘khó’, những điều luôn đòi hỏi não trạng phải làm việc nhiều hơn bình thường, mệt hơn bình thường để hiểu cho rõ hơn, thật hơn!

Vậy ai đã là kẻ chủ ý gây ra cái tâm lý xã hội mang nặng ý đồ ngăn cản, thậm chí có cả âm mưu đen tối đứng sau đó, nếu không phải là các nhân sĩ có danh, mang học hàm, học vị đứng ở vị trí uy quyền, hoặc các nhân vật nổi danh được thể chế suy tôn, thường dùng những loại ngôn từ chung chung, nghĩa lý chung chung như một thuộc tính trong cái xã hội có nền tảng gốc gác từ phong kiến, nông dân, vốn là những đối tượng thường sính danh, hám lợi, nhưng lại luôn sợ uy quyền, vũ lực.

Thực tế là những ngày gần đây, nhân sự kiện 41 năm chiến tranh Biên giới phía Bắc do Trung Quốc phát động ngày 17.2.1979, trên các trang tin của xã hội tự chủ, có quá nhiều ý kiến phản đối, lên án một nhân vật có chức danh rất ‘to’, rất ‘kêu’, đã lộ ra một quan điểm trái với nhận thức của cộng đồng xã hội, ngược với bản chất lịch sử, và đó là vị giáo sư, tiến sĩ Sử học, giảng viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội), Chủ biên chương trình Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, Viện trưởng Viện Việt Nam Học và Khoa học Phát triển (ĐHQG HN).

Vị giáo sư này đã thể hiện trên cả màn hình điện tử, được hiểu như giấy trắng mực đen, mà theo đó là nhận thức mâu thuẫn với nội dung phát ngôn của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam tại cuộc họp báo ngày 8.8.2019, lên án việc Trung Quốc phát hành bộ sách giáo khoa mới, trong đó khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở biển Đông là của họ từ thời cổ đại!

Bất chấp việc người phát ngôn của Nhà nước Việt Nam thẳng thắn phản đối và khẳng định:“Việc Trung Quốc tuyên truyền, giáo dục thế hệ tương lai bằng những thông tin trái với sự thật lịch sử và luật pháp quốc tế… là không có lợi cho quan hệ hai nước (1) , vậy mà ngài Viện Trưởng Viện Việt Nam Học không mảy may bận lòng, còn mở miệng lưu ý công luận rằng:“Giới sử học Việt Nam nên bàn bạc với giới sử học Trung quốc để thống nhất quan điểm nội dung…!!!”.

Chắc chắn, khi bộc lộ suy nghĩ này, vị giáo sư Viện Trưởng đã không quan tâm rằng mình là ai? Hoặc ngược lại, đây chính là thái độ thể hiện bản chất ngạo mạn, loại tính cách mà dân chúng vẫn thường gặp ở giới quan chức công thần, tự đắc, coi thường chính đồng bào của mình một cách không cần liêm sỉ vì… ta là giáo sư, là tiến sĩ, là lãnh đạo… và còn là gì nữa… xã hội Việt Nam hôm nay đều biết.

Ảnh chụp một buổi sinh hoạt của xã hội tự chủ – Lễ kỷ niệm ra đời Nhóm Cánh Buồm lần thứ Tám tại TT.VH Pháp L’Espace ở Hà Nội tháng 12/2017 – Ảnh tác giả chụp

Thực tế còn không bình thường ở chỗ, sau sự kiện đáng xấu hổ này của ngành Sử học nói riêng và ngành giáo dục Việt Nam nói chung, nhân vật giáo sư, tiến sĩ kia vẫn nằm ở vị trí ‘lãnh đạo chủ chốt’.

Sau ‘sự cố’ lố bịch này, không loại trừ vị giáo sư đó cũng đã ‘ân hận’, giống như nhiều trường hợp đã diễn ra trong quá khứ của nhiều nhân sĩ oanh liệt, song chắc chắn, kể cả ông ta thành tâm sám hối, thì hành xử này của ông ta mãi vẫn là một vết thương nhức nhối (nếu có liêm sỉ), mà khi sang thế giới bên kia cũng không chắc đã dịu nỗi đắng cay, ô nhục.

Thật hay, vì thông qua sự việc này, chúng ta sẽ thấm thía hơn khi có một nhân vật khác, là kỹ sư máy tính, nhưng đã giúp cho cộng đồng có cơ sở tư duy, quy chiếu để phân biệt được thế nào là người có học? Người có học và người có văn hóa có khác nhau không? Người có học có được gọi là người có văn hóa không?

Qua các tài liệu lịch sử hiện có, người ta thấy Nguyễn Văn Vĩnh GAI GÓC về tư tưởng, hay vì lý tưởng và sự nghiệp của ông đã dựa vào nhận thức từ “hai triết gia lớn là John Locke và Jean Jacques Rousseau đã viết các bài báo đòi hỏi rằng giáo dục phải được dạy cho mọi người về cách đọc và viết, để họ có thể nghĩ cho bản thân, phản biện lại “thiên kiến tôn giáo” được những người ưu tú đặt ra…”

Nguyễn Văn Vĩnh đã cùng “nhiều trí thức đã mở trường riêng của họ để lan toả niềm tin rằng hệ thống giáo dục mới – tập trung vào khoa học và triết học – có thể giúp hiện đại hoá chuẩn sống cho mọi người. Rồi nhiều người hơn có thể đọc, nhiều sách hơn được in ra”. 

Nguyễn Văn Vĩnh từ cả trăm năm trước,“đã thấy những người tốt nghiệp đại học với đủ loại lý thuyết nhưng không thể làm được bất kỳ cái gì. Và vì mọi người được đánh giá phần lớn theo bằng cấp, một số học sinh chỉ tập trung vào việc giành giật chúng bằng bất kỳ phương tiện nào, kể cả gian lận. Chừng nào họ chưa hiểu người có giáo dục là gì, sẽ khó thay đổi thái độ của họ nhắm tới bằng cấp”. (2)

Như thế, đa phần tất cả sẽ đồng ý, rằng một ‘quan to’ của ngành giáo dục, một chức sắc của bộ môn Việt Nam Học ở một trường Đại học danh tiếng, không có nghĩa là có quyền… thì nói gì cũng được!

Theo quan điểm của người kỹ sư máy tính nêu trong bài viết Người Có Giáo Dục đăng trên VnEx ngày 10.2.2020, rõ ràng việc một người có bằng cấp, danh vị không hẳn sẽ là kẻ có văn hóa, vì nếu có văn hóa, chắc chắn vị giáo sư, tiến sĩ, Viện Trưởng Viện Việt Nam Học sẽ không bị các nhà báo của VNN đặt câu hỏi mỉa mai, diễu cợt đối với người phải trả lời như trong bài viết ngày 13.2.2019:   

Theo ông, việc đưa nội dung cuộc chiến tranh biên giới Việt – Trung tháng 2/1979 vào sách giáo khoa là điều thực sự cần thiết và sòng phẳng?”. (3)

Ảnh các chức sắc người Việt trong thời kỳ Việt Nam phong kiến, nguồn Internet.

Nhìn từ sự kiện nổi bật trên đây, đề tài học giả Nguyễn Văn Vĩnh và rất nhiều các trường hợp điển hình tương tự trong lịch sử, cần có một sự minh định công tâm, nhằm chứng minh với hậu thế một phần hào quang của quá khứ trong lĩnh vực văn hóa, trí tuệ của các bậc tiền nhân, chắc sẽ phải còn lâu nữa các nhà chức trách mới để tâm, vì nó phụ thuộc vào những nhân sĩ chức quyền như vị Viện Trưởng kia.

Song kể cả ‘họ’ quan tâm đến sự minh bạch với quá khứ, nhưng với nhãn quan nô dịch, và sự kiêu căng như vị giáo sư có quyền lực ấy, thì cũng chẳng phục vụ được mục đích gì trong hệ thống giáo dục lịch sử, bởi lẽ Nguyễn Văn Vĩnh, kẻ luôn bài xích và chống lại nền giáo dục nô dịch một cách không nhân nhượng kéo dài suốt cả cuộc đời và sự nghiệp của mình, thì làm sao lại trông đợi sự minh định của lớp người có chức quyền hãnh tiến đó?!

Chúng tôi xin được đăng lại bài viết Người Có Giáo Dục của VnExpress ra ngày 10.2.2020 với niềm tin, rằng nội dung này cần cho chúng ta, và chắc nhiều người cũng muốn bổ xung cho nhãn quan xã hội của mình nội dung này.

Trân trọng!

Tannamtu.com

NLB.

Chú thích:

(1). Báo Tuổi trẻ 8.8.2019 https://tuoitre.vn/viet-nam-phan-doi-sach-giao-khoa-trung-quoc-xuyen-tac-chu-quyen-o-bien-dong-20190808113301013.htm     

(2). Phần chữ nghiêng được trích từ bài viết Người Có Giáo Dục trên VnEx 10.2.2010.

(3). VNN 13.2.2019 https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/khoa-hoc/chien-tranh-bien-gioi-nam-1979-se-co-mat-trong-chuong-trinh-pho-thong-moi-ra-sao-507597.html

Nguồn ảnh phông: Văn Hiến VN, đăng ngày 1/4/2015

2 Responses

  1. Chú Bình thân mến,

    Rất là thú vị khi đọc bài này.
    Cháu có học đến được bằng tiến sỹ (hoá học) nhưng luôn luôn cảm thấy thiếu “thông minh” và thua nhiều những người, thí dụ như thợ thuyền hay những bà mẹ chỉ lo việc nhà, vì phần đông họ có một sự khôn khéo (savoir-faire) và bon-sens mà mình không có vì thiếu óc thiết thực.
    Phải an ủi là không ai hoàn hảo cả !

    cháu HC

  2. Bài viết khá chí lý, tôi rất tâm đắc và ngày càng thấu hiểu rằng: Người có học, chưa phải là có giáo dục, và người có học không có nghĩa là người có văn hóa. Mà theo tôi, người có văn hóa trước hết phải là người sinh ra và lớn lên trong 1 gia đình có giáo dục và một truyền thống văn hóa từ nhiều thế hệ. Chứ không phải người “bỗng dưng” do có học mà có được.

    Nguyễn Quốc Trung

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tìm kiếm

April 2024
M T W T F S S
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
2930  
April 2024
M T W T F S S
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
2930  

Social Network