Lễ trao giải thưởng Phan Châu Trinh lần thứ X

LỄ TRAO GIẢI VÀ VINH DANH LẦN THỨ X

CỦA QUỸ VĂN HÓA PHAN CHÂU TRINH

Thưa các quý vị và các bạn!

Hàng năm, cứ vào ngày giỗ của Nhà yêu nước Phan Châu Trinh 24/3 (Dương lịch), Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh lại tổ chức lễ trao giải và vinh danh những gương mặt tiêu biểu trong đời sống văn hóa và tinh thần của người dân Việt Nam. Việc này đã trở thành một hoạt động thường niên mang tính truyền thống đối với các tầng lớp trí thức dân sự ở Việt Nam. Thật đáng ngưỡng mộ, vì lâu nay nó đã trở thành sự ngóng đợi của dư luận dân sự ở trong và ngoài nước. Điều này càng giúp chứng minh vai trò của những người sáng lập và điều hành của Quỹ.

Năm nay, 2017, Ban Tổ chức buổi lễ đã có những động tác thận trọng, khắt khe và “bí mật” hơn so với những lần trước. Tất nhiên, trong những hoạt động trao giải thưởng ở các nước, việc giữ kín tên những người sẽ đoạt giải thưởng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, việc tôi dùng từ bí mật trong ngoặc, đủ để mọi người cùng cảm nhận cái đặc thù và cả cái phức tạp của một hoạt động văn hóa xã hội không nằm trong thông lệ của các cơ quan chuyên trách thuộc hệ thống chính trị của Nhà nước. Đây cũng là một kết quả tích cực, thể hiện sự thay đổi quan trọng trong tiến trình dân chủ và xã hội hóa cuộc sống tinh thần của Nhà nước VN trong quan hệ đối với xã hội dân sự.

1

Chân dung các danh nhân đã được vinh danh đặt tại sảnh lớn của buổi lễ

Những cá nhân được nhận giải thưởng và những danh sỹ được vinh danh của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh, hầu hết đều là những gương mặt “ghê gớm” của lịch sử trí thức VN trong quá khứ và hiện tại. Nhận định là ghê gớm, bởi lẽ khi Ban TC công bố chính thức những cá nhân được nhận giải và những danh nhân được vinh danh, ngay sau đó trong dư luận xã hội, lập tức nổi lên những nhận định vô cùng đa dạng và thậm chí, có những quan điểm trái ngược. Tất cả những luồng ý kiến đó đều đọng lại ở một dấu hỏi khổng lồ: vậy sao bây giờ người dân mới biết, bây giờ mới ngợi ca, mới tôn vinh? Thực tế này đã làm cho công luận ngờ vực vai trò của một cơ quan chuyên trách: Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, ngờ vực cả nền khoa học lịch sử của đất nước.

2

Chân dung Danh nhân Nguyễn Văn Vĩnh

Giả thiết, nếu Hội đồng Khoa học của Quỹ VH PCT không để tâm nghiên cứu, đánh giá, tổng hợp, thì người dân VN sẽ không biết, lịch sử VN sẽ không ghi nhận? Những ghi chép của “chính sử” sẽ là sự thật? Các nhà làm sử VN đã đứng ở góc độ nào của lịch sử? Họ đã hành xử đúng?!

Đặt ra từng đó câu hỏi trước một hoạt động xã hội có vai trò rất rõ ràng trong sinh hoạt văn hóa chính trị của một đất nước, bởi lẽ chưa bao giờ (kể từ khi có những quyết định vinh danh những gương mặt điển hình trong hoạt động VH KH XH ở VN) những người đến tham dự, chưa lần nào thấy sự có mặt của những vị có vai trò cụ thể thuộc những cơ quan chuyên trách trong bộ máy của Nhà nước VN. Thực tế này phản ánh điều gì nếu đưa ra xem xét?!

Chúng ta, từ những công dân bình thường, đến những quý vị hiện đang tại nhiệm ở những vị trí hệ trọng trong hệ thống điều hành của một Quốc gia, trong những hoạt động bái lễ, cầu nguyện ở những tầm mức khác nhau trong một năm, đều cùng đồng thanh cất giọng: Cầu cho Quốc thái Dân an. Nhưng thông qua một sự thật như nói ở trên, đủ thấy lòng dân chưa an! Cần mạnh dạn để nói, thì chính các vị cũng không an. Dân chưa an… vậy đến thời nào mới có Quốc thái? Hay thôi, bụng bảo dạ: ai an được thì an, ai không an được phải chịu…! Nếu vậy, thử hỏi cách mạng để làm gì?

Nhìn lại những hoạt động văn hóa xã hội trong nhiều thời gian qua, những hoạt động để lại ấn tượng đẹp cho người dân thật hiếm gặp, nhưng những buổi lễ của Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh thật sự đã trở thành sự kiện.

Buổi lễ lần thứ 8 (2015) được dư luận nhắc lại là: Ngày hội.

Buổi lễ lần thứ 9 (2016) được nói đến là: Bữa tiệc văn hóa.

Buổi lễ lần thứ 10 (2017) được khẳng định là: Dấu ấn.

3

Toàn cảnh buổi lễ trước giờ khai mạc

4

Dịch giả, nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn, ủy viên Hội đồng Khoa học, đọc quyết định vinh danh học giả Phan Khôi là Danh nhân Văn hóa.

5

Ông Phan Trần (con trai trưởng của học giả Phan Khôi) chụp cùng Nguyễn Lân Bình (cháu nội Danh nhân Văn hóa Nguyễn Văn Vĩnh) tại buổi lễ 2017

Hầu hết các buổi lễ của Quỹ VH PCT đều tổ chức vào giờ ăn tối của mọi người (từ 18h30 đến 21h00), nhưng khách đến dự làm gì được ăn gì… ngoài văn hóa. Làm gì có phong bì, quà lưu niệm. Thậm chí những khách ở xa hãy tự tìm phương tiện mà đến dự, tùy vào nhận thức và ý thức của các cá nhân. Tuy nhiên, lần nào cũng không còn chỗ ngồi. Thật hay nữa, là BTC chỉ gửi giấy mời và thông báo qua truyền thông mạng, và điều này không hề đe dọa rằng sẽ vắng khách. Thế mới biết, cái gì là thật, cái gì từ tấm lòng, nó cũng tạo ra được nhưng hiệu ứng đẹp bất tận.

Thật sẽ là rất khó cho Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh nhìn từ mọi góc độ. Nhưng cái khó nhất (theo tôi) là việc giữ được lâu dài cái tầm mà Quỹ đã đặt chân đến. Phàm ở đời, đạt được đã là quá khó, nhưng giữ được còn khó hơn muôn vạn lần.

Kính chúc Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh ngày càng tỏa sáng, xứng đáng với lòng tin của nhân dân và các tầng lớp trí thức dân sự!

Trân trọng!

NGUYỄN LÂN BÌNH.


DIỄN VĂN KHAI MẠC của giáo sư CHU HẢO.

Kính thưa các quý vị và các bạn!

Mới đấy mà đã 10 năm, mười lần chúng ta hân hoan gặp lại nhau trong các buổi lễ công bố Giải Văn hóa Phan Châu Trinh hàng năm, mà ngày nay đã trở thành một sự kiện văn hóa đáng ghi nhận trong đời sống tinh thần của chúng ta – những người quan tâm và nguyện dấn thân vì sự nghiệp chấn hưng Văn hóa – Giáo dục nước nhà.

Mười năm qua, Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh mới chỉ kịp vinh hạnh trao các Giải thưởng cho khoảng 40 cá nhân theo các hạng mục: Dịch thuật, Nghiên cứu, Vì sự nghiệp Văn hóa & Giáo dục và Việt Nam học. Các Giải thưởng này được lựa chọn theo các tiêu chí do Hội đồng Quản lý và Hội đồng Khoa học của Quỹ đề ra, tuân theo nguyên tắc đồng thuận, và chỉ trao cho những người còn sống. Còn rất nhiều học giả, nhà nghiên cứu và hoạt động xã hội xứng đáng được ghi nhận công lao, những vì lực bất tòng tâm, Quỹ không có điều kiện bao quát hết. Chúng tôi chân thành cáo lỗi và xin được lượng thứ.

Từ năm 2014 Quỹ có thêm một hạng mục mới là Tôn vinh Danh nhân Văn hóa Việt Nam thời hiện đại (giữa TK XIX đến giữa TK XX), và cũng chỉ mới kịp tôn vinh 4 vị tiêu biểu là: Trương Vĩnh ký, Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu Nguyễn Văn Vĩnh.

Quỹ có tham vọng xây dựng hồ sơ văn hóa còn đang thiếu vắng của các vị có công lao xuất sắc trong lịch sử văn hóa nước nhà ở giai đoạn giao thời đó, để các thế hệ mai sau có tài liệu tham chiếu. Vị nào mà Quỹ có điều kiện tập hợp đầy đủ hồ sơ trước thì công bố trước, chứ không nhất thiết theo thứ tự thời gian. Mươi năm nữa liệu chúng tôi có thể hoàn thành được công việc khó khăn nhưng hết sức có ý nghĩa này chăng, là trông cậy ở sự đồng hành và hỗ trợ của quý vị và các bạn.

Lần này là lần thứ 10, chúng ta vui mừng chào đón 5 vị Tân khoa và tôn vinh một Danh nhân Văn hóa nữa, như sẽ được công bố ngay sau đây.

Mỗi lần công bố Giải và Tôn vinh Danh nhân Văn hóa là mỗi lần chúng tôi muốn được cùng qúy vị và các bạn có mặt tại khán phòng này, ôn lại Tinh thần Khai sáng, Ý chí Tự trị – Tự cường, Khát vọng Dân chủ của Phan Châu Trinh – Nhà cách mạng đầu tiên của đất nước ta như Huỳnh Thúc Kháng từng khẳng định.

Thưa quý vị và các bạn!

Chúng ta đang sống trong thời kỳ nhiễu nhương của nhân loại; dường như ở khắp nơi trên thế gian này cái Ác đang lấn át cái Thiện ở tầm vĩ mô, ngay tại cơ tầng văn hóa – giáo dục; dối trá và bạo lực tràn lan trong xã hội trên phạm vi toàn cầu. Nước ta không những không là một ngoại lệ, mà còn có nguy cơ trở thành một thí dụ điển hình. Bởi vậy những lời kêu gọi thống thiết của cụ Phan cách nay hơn một thế kỷ vẫn còn nguyên giả trị thời sự.

“Đồng bào ta, người nước ta, ai mà ham mến tự do, tôi xin có một vật rất quý báu tặng cho đồng bào, đó là “Chi Bằng Học”.

Đấy là chủ trương Khai dân trí, tức là mở mang trí tuệ, đúng với tinh thần của Phong trào Khai sáng diễn ra ở phương Tây từ TK XVIII.

Song song với việc khai trương Đông kinh Nghĩa thục ở Hà nội và một loạt trường thực học, thực nghiệp ở Quảng Nam và nhiều nơi khác, Phong trào Duy tân còn hết sức khuyến khích mở mang kỹ nghệ và thương mại, chăm lo đời sống cho dân chúng, tức là “Hậu Dân sinh” theo tinh thần:

“Người ta trọng có tài có nghiệp

Kẻ không nghề cả kiếp khó hèn”

Cụ còn nêu gương Piere Đại Đế ở nước Nga, đã thân chinh sang nước ngoài học kỹ nghệ (chẳng hạn như đóng tầu) mang về dạy lại cho dân chúng:

“ Có vua Bỉ Đắc xưa kia

Bỏ ngôi đi học lấy nghề bách công

Về Dân khí Phan Châu Trinh dậy rằng;

“Vậy phải làm cho đồng bào chúng ta quen phản đối, khích lệ họ phản đối trong giới hạn hợp pháp, mỗi khi họ là nạn nhân của một sự bất công hoặc một sự nhũng lạm nào đó.

Báo chí phản đối là cần thiết để tố cáo một cách vô tư tất cả những sự lạm quyền, tất cả những sai lầm mà người cai trị có thể mắc phải.

Ai không nói gì là tán thành. Sự nhẫn nhục hoặc đúng hơn sự câm lặng của người An Nam làm cho chính quyền tin rằng nhân dân thỏa mãn, và chính quyền sẽ yên ngủ coi như đã tròn phận sự.

Đúng là vì sao lại phải trao tự do cho những người nô lệ bằng lòng với số phận của mình?”

Ngay từ 1906, sau khi hội kiến với Phan Bội Châu ở Nhật về, Phan Chu trinh đã chủ trương bất bạo động và tuyên bố:

“Bất bạo động, bạo động tắc tử! Bất vọng ngoại, vọng ngoại dã ngu”

Chủ thuyết này hoàn toàn tương đồng với tư tưởng vĩ đại của Mahatma Gandhi – biểu tượng của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc bằng con đường phi bạo lực, người cùng thời với cụ Phan .

Như vậy về tổng thể chúng ta có thể thấy Triết lý phát triển và chương trình hành động của Phan Châu Trinh cũng phù hợp một cách đáng ngạc nhiên với Lý thuyết hiện đại hóa mới do C.Wetzel (2013) và D. Inglehart (2016) tổng kết vào những năm đầu của TK XXI này. Một lần nữa chúng ta thấy tư duy vượt trội và đi trước thời đại của Phan Châu Trinh quý giá và đáng trân trọng biết nhường nào!

Xin chân thành cám ơn quý vị và các bạn đã có mặt ở đây, hôm nay, để khích lệ chúng tôi, khích lệ tất cả chúng ta, trong sự nghiệp chấn hưng nền văn hóa – giáo dục nước nhà!

Xin kính chúc quý vị và các bạn dồi dào sức khỏe để mỗi ngày làm được một việc nhỏ theo tinh thần “Khai Dân trí, chấn Dân khí, hậu Dân sinh” mà Phan Châu Trình đã khai sáng cho chúng ta!

================

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tìm kiếm

April 2024
M T W T F S S
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
2930  
April 2024
M T W T F S S
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
2930  

Social Network