Nguyễn Văn Vĩnh với tiếng mẹ đẻ và chữ Quốc ngữ – phần 1

Thưa các quý vị độc giả!

Lời đầu Xuân, BBT Tannamtu,com xin có lời chúc tốt đẹp gửi các chị, các anh và các bạn, những độc giả thân thiết với trang thông tin về học giả Nguyễn Văn Vĩnh. Cầu cho một năm mới tốt lành với nhiều thay đổi thuận chiều theo quy luật của Đấng Tạo hóa!

Năm nay, năm Bính Thân 2016 là năm kỷ niệm 80 năm ngày mất của học giả Nguyễn Văn Vĩnh. Ban Biên tập chúng tôi sẽ thực hiện một số hoạt động nhằm giúp các bạn độc giả ngày càng có thêm tư liệu phục vụ cho việc hiểu rõ hơn những cống hiến quan trọng của Nguyễn Văn Vĩnh trong sự nghiệp xây dựng nền văn hóa chữ Quốc ngữ ở Việt Nam.

Chúng tôi xin được gửi đến bạn đọc bài viết chuyên đề quan trọng, tổng hợp những hoạt động của Nguyễn Văn Vĩnh riêng trong lĩnh vực ngôn ngữ và chữ viết có nhan đề: “NGUYỄN VĂN VĨNH VỚI TIẾNG MẸ ĐẺ VÀ CHỮ QUỐC NGỮ”. Bài viết do ông Nguyễn Lân Bình thực hiện và đã được gửi tới Ban Biên tập sách giáo khoa của Nhóm Giáo dục cải cách tự nguyện Cánh Buồm. BBT sách giáo khoa Cánh Buồm đã chỉnh sửa và dùng là bài đọc thêm in trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp Sáu, do Nhà Xuất bản Trí Thức ấn hành tháng Tám năm 2015. Bộ sách giáo khoa cải tiến của nhóm Cánh Buồm đã hoàn thành từ lớp Một đến hết lớp Sáu và hiện đang được sử dụng ở một số trường phổ thông tư thục ở miền Nam và miền Bắc Việt Nam.

Trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp Sáu của nhóm Cánh Buồm, bài viết đã được chỉnh sửa và in thành một bài. Để tiện lợi cho bạn đọc, những người quan tâm đến vai trò Nguyễn Văn Vĩnh với chữ Quốc ngữ giai đoạn đầu thế kỷ XX, chúng tôi xin chia bài viết thành hai phần cùng với một số bức ảnh tư liệu, minh họa cho bài viết. Đồng thời chúng tôi cũng xin được gửi đường link bài đã được hiệu chỉnh và in trong sách giáo khoa Tiếng Việt của Nhóm Cánh Buồm.

Mọi ý kiến của các quý vị độc giả xin được gửi trực tiếp cho BBT. Tannamtu.com hoặc đến lienhe@hiendai.edu.vn. Đồng thời các quý vị có thể tham khảo qua địa chỉ www.canhbuom.edu.vn.

Trân trọng!

BBT Tannamtu.com

Nguyễn Lân Bình.

tv6

Bìa sách giáo khoa Tiếng Việt 6 – Cánh Buồm

NGUYỄN VĂN VĨNH VỚI TIẾNG MẸ ĐẺ VÀ CHỮ QUỐC NGỮ.

Gần 1000 năm Việt Nam chịu ách đô hộ của phong kiến Trung Quốc, giai đoạn lịch sử này được gọi là thời kỳ Bắc thuộc. Bên cạnh những ảnh hưởng tất yếu của kẻ cai trị tạo ra, lúc này người Việt Nam còn chưa có chữ viết riêng. Các kết quả nghiên cứu khoa học cho thấy, khoảng thế kỷ thứ VIII và IX, ở Trung Quốc là đời Nhà Đường, ở Việt Nam là đời Nhà Tống, bắt đầu xuất hiện chữ Nôm. Như vậy, hiểu một cách khái quát, chữ Nôm đã ra đời khoảng sau thế kỷ thứ X, khi Việt Nam thoát khỏi chế độ Bắc thuộc với chiến thắng của Ngô Quyền năm 938(1) .

Chữ Nôm là sản phẩm của tinh thần bất khuất, thể hiện ý chí độc lập, tránh sự lệ thuộc vào phong kiến Trung Quốc của người Việt, đặc biệt về văn hóa, vì (Tiếng nói và chữ viết là căn cước văn hóa của một dân tộc)(2).

Nguyên lý của chữ Nôm là mượn âm tiếng Hán mà không mượn nghĩa. Ngược lại cũng có trường hợp, chỉ mượn nghĩa chữ Hán mà không mượn âm. Chính thực tế này đã làm cho chữ Nôm khó nhớ, vì khó nhớ nên khó học do phải ghép các nét chữ liên tục, đồng thời một chữ lại có nhiều cách đọc, thậm chí phải vừa đọc vừa đoán. Điểm hạn chế này của chữ Nôm cộng với điều kiện ngặt nghèo của cuộc sống, công nghệ in ấn đơn giản, vật liệu thô sơ, tính kỹ thuật thấp và đó chính là nguồn gốc của khái niệm: Tam sao thất bản ( ba lần sao chép mất bản gốc).

Vào giữa thế kỷ XVII, ở Việt Nam xuất hiện sự có mặt của các giáo sĩ phương Tây (Âu châu) nhiều quốc tịch. Mục đích của các giáo sĩ này là truyền bá đạo Gia tô giáo, ngoài ra họ còn thực hiện các hoạt động thương mại. Vùng đất họ đặt chân đến đầu tiên ở Việt Nam là Đàng Trong (Phần phía Nam).

Trong quá trình giao tiếp với người dân bản địa, các giáo sĩ phương Tây nhận thấy sự khác biệt vô lý trong sinh hoạt ngôn ngữ, vì sao người Việt nói một cách và viết theo một cách khác? Chữ viết lúc đó của người Việt là chữ Hán hoặc chữ Nôm. Sự khác biệt này đã gây khó khăn lớn cho các giáo sĩ trong việc giao tiếp và truyền bá những lý thuyết của đạo giáo, cũng như gây cản trở trong việc hòa nhập vào cuộc sống nội tâm, nhằm thuyết phục người dân bản địa đồng tình và làm theo những giáo lý của Gia Tô Giáo. Ngoài ra khi muốn giao dịch, mua bán họ cũng rất khó khăn trong việc giao kèo theo nguyên tắc cam kết bằng văn bản. Những nguyên nhân trên đây đã đẩy các giáo sĩ phương Tây nghĩ đến việc ghi âm phát ra của người bản xứ, đặt các âm theo cơ sở các chữ cái Roman là hệ chữ mà các giáo sĩ sử dụng. (Chữ La Tinh nằm trong hệ chữ Roman)(3).

Từ đây, lần đầu tiên trong lịch sử, người Việt Nam có bộ chữ viết theo mẫu tự chữ cái La Tinh do các giáo sĩ phương Tây lập ra và người đã có công đúc kết, tổng hợp lập thành cuốn từ điển đầu tiên là Alexander De Rhodes(4). Cuốn từ điển mang tên: VIỆT-BỒ-LA (Việt Nam-Bồ Đào Nha-La Tinh) in năm 1651.

Chữ Việt dùng mẫu tự chữ cái La Tinh ra đời, phục vụ mục đích xâm nhập và truyền bá một chủ thuyết sinh tồn theo nhãn quan tôn giáo là việc mới hoàn toàn đối với người Việt Nam. Chính vì lý do này, nên việc sử dụng thứ chữ mới chỉ ảnh hưởng mạnh đối với những người dân theo Gia Tô Giáo, trong khi, người Việt đã chịu ảnh hưởng của Phật Giáo từ rất nhiều thế kỷ trước đó. Loại chữ viết mới này đã tự giới hạn ảnh hưởng của nó do chỉ được dùng trong các cộng đồng người Việt theo Thiên Chúa Giáo, cụ thể là chỉ sử dụng trong Nhà thờ, khu cư dân theo Công giáo mà thôi. Thực tế này đã trở thành sự đối lập về ý thức của đa số người dân Việt Nam chịu ảnh hưởng của Phật Giáo và tư duy Phong kiến. Đặc biệt, theo tiến trình lịch sử, sự có mặt của những người giáo sĩ phương Tây sau đó lại gắn liền với sự xuất hiện của Chủ nghĩa Thực dân và sự tìm kiếm thuộc địa của người Pháp, nên mặc nhiên nó đã trở thành sự mặc cảm trong tâm lý người Việt vì thứ chữ mới được hiểu là chữ của bọn Tây, bọn xâm lược.

Trước quy luật phát triển của xã hội, cho đến giữa thế kỷ XIX, sự có mặt của người Tây phương kèm theo những ảnh hưởng nhất định về lối sống, về khoa học, về kỹ thuật và văn hóa ở Việt Nam, gây tác động mạnh lên tư duy của một số gương mặt có trí tuệ hơn người. Những người này nhờ được tiếp cận với nền văn hóa và kiến thức xã hội của những người Tây phương đến Việt Nam, họ cũng tự nhận thấy sự bất hợp lý của việc sử dụng ngôn ngữ giữa nói và viết của người Việt. Những nhân sĩ đó xác định đây là rào cản lớn nhất trong việc tiếp cận với nền tri thức mới của những nền văn minh khác của nhân loại và họ đã manh nha một con đường mới trong phát triển xã hội, đó là việc tìm cách sử dụng và phổ biến chữ viết mới theo mẫu tự chữ cái La Tinh, gạt bỏ dần việc sử dụng chữ Hán và chữ Nôm do quá khó trong việc tiếp thu và hạn chế trong việc phổ cập với những người dân thường, nhất là những người nghèo ít có điều kiện học hành.

Thứ chữ mới với 24 chữ cái, dễ học và dễ tiếp thu hơn rất nhiều. Những nhân sĩ tiến bộ không muốn phải tồn tại trong một xã hội lạc hậu vì người dân không được học hành, không có tri thức. Họ chắc chắn với một nhận thức truyền thống: Nhân bất học, bất chi lý! (Người không có học hành, không phân biệt được phải, trái).

Trong những diễn biến quan trọng của cuộc cách mạng này, đã xuất hiện những gương mặt tiên phong như Trương Vĩnh Ký – Pétrus Ký (1837-1898) và Huỳnh Tịnh Của – Paulus Của (1834-1907). Tuy nhiên, hai tài năng xuất chúng này của người Việt lại tồn tại ở phần phía Nam của đất nước, khi mà chế độ chính trị ở Việt Nam đã bị Thực dân Pháp chia làm ba phần, theo ba chế độ chính trị khác nhau, là: Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ. phục vụ cho mục đích đô hộ lâu dài trên cơ sở Hiệp ước Patơnốt (Pertenôtre) 1884.

Các yếu nhân được sinh ra trong quá trình phát triển lịch sử, không thể không lệ thuộc vào môi trường chính trị của xã hội mà họ tồn tại. Trương Vĩnh Ký là người Việt Nam đầu tiên có ước vọng và thực hiện bằng nhiều cách để mong người dân sẽ sử dụng chữ viết tiếng Việt theo mẫu tự chữ cái La Tinh mà sau đó được gọi một cách tự nhiên là: Quốc Ngữ. Bản thân từ “quốc ngữ” cũng đã làm mếch lòng một bộ phận lực lượng trong bộ máy quyền lực của Triều đình Phong kiến, đặc biệt là những người chịu ảnh hưởng sâu đậm lối tư duy của phong kiến Trung Quốc. Từ “quốc ngữ” đã vô hình chung bộc lộ tính ly khai với ảnh hưởng của tư tưởng văn hóa Đại Hán, báo hiệu sự chia tay vĩnh viễn với một chủ trương thôn tính toàn diện dân tộc Việt của Phong kiến Trung Hoa đã kéo dài hàng chục thế kỷ và sẽ kéo dài cho đến khi không thể!

Có ba nguyên nhân cần được xem xét như những lý do đã cản trở sự nghiệp lớn của Trương Vĩnh Ký đã không đạt được đến kết quả cuối cùng, bao gồm:

– Trương Vĩnh Ký là người Công Giáo (Một hình ảnh đối lập với nhãn quan

của xã hội khi người dân theo Phật Giáo và Khổng Giáo).

– Trong quãng đời tồn tại, ông đã từng có phẩm hàm trong hệ thống cai trị (Là

sự mặc cảm dưới con mắt của những người dân lao động được gọi là tầng

lớp bị cai trị).

– Chế độ chính trị nơi Trương Vĩnh Ký tồn tại là Nam Kỳ, là vùng lãnh thổ

được Thực dân Pháp chấp nhận là Thuộc địa, khác nhau rất xa về thể chế xã

hội so với Trung Kỳ và Bắc Kỳ là chế độ Bảo hộ.

Những đóng góp của Trương Vĩnh Ký trong việc phổ biến chữ Quốc Ngữ ở Nam Kỳ vào cuối thế kỷ XIX, đã tạo nên một nhân tố tâm lý quan trọng trong việc hình thành một cuộc cách mạng về chữ viết đối với xã hội phía Nam Việt Nam.

Tuy nhiên quy luật xã hội cho thấy, để tạo thành cuộc cách mạng, thông thường đều đi qua những bước phát triển như:

– Sự ảnh hưởng mạnh, vượt trội từ một cá nhân (hạt nhân) tác động và kéo theo

nhiều người cùng tham gia.

– Khi có nhiều người cùng tham gia, được gọi là phong trào.

– Khi phong trào được đẩy lên cao, được gọi là cao trào.

– Cao trào, sinh ra lực tác động mạnh đến xã hội, làm thay đổi hiện trạng, điều

này được gọi là cách mạng.

Nhìn lại thực tế, những biện pháp do Trương Vĩnh Ký áp dụng trong cuộc cách mạng này có phần thiếu tính quyết liệt, tính bền bỉ và chịu quá nhiều áp lực của các lực lượng bảo thủ trong xã hội. (Từ 1848 đến 1861, Triều Nguyễn có sáu lần ra chỉ dụ nghiêm cấm sự tồn tại của đạo Công Giáo). Trong khi cái giá phải trả cho những kẻ tiên phong bao giờ cũng vô cùng lớn, thậm chí không có giới hạn.

Sự nghiệp và con đường làm cách mạng văn hóa của Trương Vĩnh Ký đáng tiếc đã không đẩy lên được thành cao trào, vì vậy sự lan tỏa ảnh hưởng của ông trong hoàn cảnh lịch sử đó đã không đủ mạnh để tạo sự tác động đến cuộc sống tinh thần của người dân ở vùng Trung Kỳ và Bắc Kỳ, nơi chịu sự hà khắc hơn rất nhiều so với Nam Kỳ ở mọi lĩnh vực. Kết thúc sự nghiệp, ông đã ngậm ngùi lúc cuối đời: “Rằng tuy ăn ở cùng Tần, bâng khuâng nhớ Hán muôn đời xót sa”(5).

Vào cuối thế kỷ XIX, cũng như các giáo sĩ phương Tây đã đến Việt Nam trước đó hơn hai thế kỷ, Thực dân Pháp đã rất lúng túng trong việc lựa chọn một thứ ngôn ngữ thống nhất để áp dụng cho chế độ cai trị khi mà chính sách thuộc địa đã thực sự được hình thành ở Đông Dương. Họ đã nhiều lần thay đổi các quyết định hành chính khác nhau về việc dùng ngôn ngữ nào là chính thức trong giao dịch xã hội, tiếng Hán, tiếng Pháp hay chữ Quốc Ngữ? Đến lúc này, hầu hết các lực lượng xã hội đều nhận thấy sự tiện lợi của chữ Quốc Ngữ, tuy nhiên, như đã dẫn giải. sự mâu thuẫn giữa các thành phần xã hội, giữa các lực lượng cai trị vẫn rất nặng nề, vì thế chữ Quốc Ngữ vẫn chưa chiếm được vị trí cần thiết để trở thành chữ viết Quốc gia.

—————-

Đầu thế kỷ XX, sự bế tắc của xã hội Việt Nam đạt đến mức đe dọa. Trong nhiều nguyên nhân tạo ra sự khủng hoảng đó, có nguyên nhân do các chính sách của Nhà cầm quyền đã không đến được với người dân lao động vì không có một loại chữ viết dùng phổ thông. 90% người dân không biết một loại chữ viết nào. Trong lưu trữ, các văn bản lưu của Nhà cầm quyền viết theo các ngôn ngữ khác nhau, bởi lẽ, ngày ấy “Họ” vẫn tranh cãi việc lựa chọn dùng thứ chữ nào.

Thời đại nào cũng vậy, việc xuất hiện những gương mặt có chí khí, có lòng dũng cảm, với lương tâm của những người yêu dân tộc, yêu quê hương đã đưa họ đi tìm những con đường can dự, đấu tranh. Họ quyết làm điều gì đó để chấm dứt những tháng ngày đen tối của một đất nước nghèo hèn. Bên cạnh nhóm người đại diện cho các lực lượng xã hội mang tinh thần uy vũ, với lòng quả cảm và sự căm thù những kẻ bóc lột, họ muốn dùng sức mạnh thể chất để thay đổi xã hội và tạo ra những cuộc đấu tranh vũ trang, hy vọng vào một cuộc cách mạng lật đổ, thì lại xuất hiện những con người muốn tìm đến sự thay đổi xã hội bằng con đường giúp người dân có nhận thức để có học vấn và trí tuệ. Họ tin rằng; tri thức tạo nên trí tuệ, trí tuệ sẽ sáng tạo ra khoa học, có khoa học kỹ thuật sẽ tạo ra của cải vật chất, vật chất đem đến sự giàu có và nó sẽ phá tan những bế tắc, bất công, hệ quả của sự bóc lột và sự hiểu biết thấp kém của tầng lớp cai trị. Họ cũng rất tin rằng: một xã hội tiến bộ làm con người sẽ sống nhân đạo hơn, trung thực và bình đẳng hơn!

Nhưng để có được điều kiện tiên quyết thực hiện cuộc cách mạng đó, người dân phải có chữ viết, là phương tiện bắt buộc, là chất kết dính giữa sự nhận biết và hành động. Đầu thế kỷ XX ở Việt Nam vẫn dùng những loại chữ viết vay mượn.

Chí sĩ Phan Châu Trinh (1872-1926), nhà yêu nước được sinh ra tại Quảng Nam, miền Trung Việt Nam. Năm 1901, ông đỗ Phó bảng (Hàm vị dưới tiến sĩ). Năm 1906, do bất bình gay gắt với thực trạng của xã hội Việt Nam, ông đã viết bản kiến nghị bằng Hán văn mang tên: “Đầu Pháp Chính phủ thư” gửi cho Toàn quyền Đông Dương Jean Baptiste Paul Beau. Nội dung kiến nghị đòi phía Pháp phải cải cách xã hội, thay đổi chính sách cai trị, hủy bỏ nền giáo dục phong kiến, chấm dứt lối dào tạo khoa cử và dạy người dân học chữ Quốc Ngữ.

Việc làm này của Phan Châu Trinh khẳng định, dân Việt Nam phải được đòi quyền làm người, quyền sống, quyền được học hành. Bản kiến nghị còn tố cáo sự bất lực và tha hóa của bộ máy vua quan triều Nguyễn cùng các chính sách cai trị hà khắc của chính quyền Thực dân.

Toàn văn bản kiến nghị của Phan Châu Trinh đã được một thanh niên Việt Nam mới 24 tuổi, có xuất thân là con một gia đình nông dân nghèo ở phủ Thường Tín tỉnh Hà Đông (Nay là ngoại thành Hà Nội) tên là Nguễn Văn Vĩnh (1882-1936), dịch ra tiếng Pháp “LETTRE DE PHAN CHU TRINH AU GOUVERNEUR GÉNÉRAL EN 1906”, ngày 15 tháng 9 năm Thành Thái thứ XVIII (1906).

Việc chuyển ngữ bản kiến nghị này, đã giúp Nguyễn Văn Vĩnh cảm nhận sâu sắc sự bất công của một xã hội không được học hành, không có quyền làm người. Nguyễn Văn Vĩnh hoàn toàn đồng ý với cách nhận thức mang tính tư tưởng của Phan Châu Trinh rằng: chúng ta nghèo và khổ vì chúng ta ngu và dốt, mà sự ngu dốt là hệ quả mặc nhiên của việc không được học hành! Từ lúc đó, Nguyễn Văn Vĩnh đã ý thức sâu sắc tính bức thiết của con chữ đối với đồng bào mình.

Nguyễn Văn Vĩnh đã may mắn có cơ hội từ khi còn là một đứa trẻ chăn bò ngoài bãi Sông Hồng, được nhận vào làm công việc kéo quạt mát cho một lớp học của người Pháp dạy các ông tú (Tốt nghiệp THPT), các cậu cử (Tốt nghiệp đại học) học làm làm phiên dịch tại trường Hậu bổ, đóng tại đình làng Yên Phụ, Hà Nội (1890). Nhờ môi trường nơi mình làm thuê để học lỏm, tuy không được là học viên chính thức, nhưng với ảnh hưởng tự nhiên, cộng với bộ óc khác người, năm 1896, sau hai lần thi, Nguyễn Văn Vĩnh đã đỗ đầu khoa thi (thủ khoa) của trường. Tuy 15 tuổi còn quá nhỏ nhưng đã được đặc cách làm phiên dịch cho Tòa sứ Lào Cai. Từ Tòa sứ Lào Cai, ông chuyển về Hải Phòng, rồi Bắc Giang, Bắc Ninh. Năm 1906 Nguyễn Văn Vĩnh là thư ký của Tòa Đốc lý Hà Nội và cũng là năm ông gặp chí sĩ Phan Châu Trinh.

Năm 1906, Nguyễn Văn Vĩnh được cử tham gia Hội chợ (Đấu xảo) các nước thuộc địa ở thành phố cảng Mác Xây (Marseille). Ông đã tận mắt chứng kiến nền văn minh Pháp, cái nôi văn hóa của nhân loại. Ông thích thú khi được chứng kiến nghề in ấn, xuất bản và làm báo. Ông bị mê hoặc khi nhận ra giá trị vô tận của báo chí trong hoạt động truyền thông. Nguyễn Văn Vĩnh lập tức đi tìm học cách làm một tờ báo. Ông muốn lấy đó là phương tiện thứ nhất để quảng bá sự tiện lợi của chữ Quốc Ngữ, khích lệ người dân theo học thứ chữ này, từ đó giành lấy vị trị độc tôn trong văn hóa Việt, làm cơ sở cho cuộc cách mạng khai dân trí, đúng theo con đường chính trị mà Phan Châu Trinh mong muốn.

Nguyễn Văn Vĩnh tự tin tuyệt đối vào những phát hiện của mình đến mức, trong một bức thư viết từ Mác Xây vào tháng 5.1906(6) gửi về cho một người bạn chí cốt là nhân sĩ Phạm Duy Tốn (1883-1924), ông đã bộc bạch: “Cuộc đi thăm lý thú nhất của tôi trong Đấu xảo là cuộc đi thăm gian báo “Petit Marseillais”. Toà báo đó có những tài liệu xác thực nhất, lý thú nhất về nghề in từ khi nghề đó bắt đầu nảy nở hay nói cho đúng từ khi nghề đó bắt đầu được nhập cảng vào Âu châu.

Nguyễn Văn Vĩnh nhờ vốn hiểu biết về văn hóa, xã hội cũng như nền văn minh Pháp, được chứng kiến tận mắt, với thiện tâm thuần túy, ông đã cả tin, dân tộc Pháp, nước Pháp cần gánh lấy cái trách nhiệm giúp những kẻ nghèo, kém phát triển tìm đến con đường tiến bộ. Nguyễn Văn Vĩnh đã tâm đắc và cho rằng, một dân tộc đã thực hiện một cuộc cách mạng vĩ đại với tiêu chí cao quý là: Tự do – Bình đẳng – Bác ái(7), không thể nhẫn tâm chà đạp lên sự yếu kém của người An Nam!

Trở lại Việt Nam, Nguyễn Văn Vĩnh từ bỏ con đường công chức. Theo ông, là một người tự do sẽ không bị ràng buộc, bị áp lực bởi hệ thống hành chính, sẽ rộng đường để thực hiện lý tưởng của mình. Giai đoạn lịch sử này, Nguyễn Văn Vĩnh có hai mối quan hệ sống còn liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của ông, đó là:

1/ Nhận lời hợp tác với Francois Henri Schneider (1851…), một chuyên gia về xuất bản. in ấn và báo chí, người Pháp gốc Đức, đến Sài Gòn năm 1882 theo hợp đồng ký với Chính phủ Thuộc địa để xây dựng nghành in và xuất bản ở Việt Nam.

2/ Chính thức tham gia vào nhóm các nhân sĩ cách mạng do Phan Châu Trinh đứng đầu. Tổ chức xây dựng, phát động, thảo điều lệ và xin giấy phép của Nhà cầm

quyền cho trường Đông Kinh Nghĩa Thục, mở tại số 10 phố Hàng Đào Hà Nội do cụ cử Lương Văn Can làm Thục trưởng năm 1907.

Hai sự kiện trên đây, nhìn bên ngoài là sự mâu thuẫn về chính trị đối với con người Nguyễn Văn Vĩnh. Danh chính, F.H.Schneider là người của chính quyền Thực dân, trong khi Phan Châu Trinh là người phản đối chính sách cai trị của Thực dân Pháp. Thực dân Pháp coi Phan Châu Trinh là kẻ phản loạn. Vậy Nguyễn Văn Vĩnh đứng ở đâu trên bàn cờ chính trị này?

Lịch sử đã ghi rõ, Ngày 22 tháng 2 năm 1869 Phó Đề đốc Marie Gustave Hector Ohier ký nghị định bắt buộc dùng chữ Quốc ngữ thay thế chữ Nho trong các công văn hành chính ở Nam Kỳ sau rất nhiều tranh cãi trong nội bộ người Pháp. Nhưng phải 19 năm sau, năm 1888, chính quyền Thực dân mới áp đặt cho Nam Kỳ phải dùng chữ Quốc Ngữ trong hoạt động, giao dịch tài chính.

Tuy nhiên, những cố gắng này của Nhà cầm quyền vẫn không đạt được tính phổ thông đối với người dân ở Nam kỳ trong việc sử dụng chữ Quốc Ngữ, chưa nói đến đối với Bắc và Trung kỳ. Triều đình Nhà Nguyễn, tuy chỉ còn giữ vai trò là hình thức trong việc cai trị đất nước, nhưng vẫn là tối cao trong quan niệm của dân chúng và cơ quan này lại nằm ở Huế, khu vực Trung Kỳ. Chính do việc để các quy chế chính trị khác nhau ở ba miền Việt Nam, nên việc làm quen dùng chữ Quốc Ngữ của dân chúng ở Trung kỳ và Bắc kỳ vẫn xa lạ, và ở cả hai vùng miền này, người dân đếu chưa có khái niệm về báo chí.

Hai lực lượng hiện hữu ở Việt Nam đều có một yêu cầu chung về việc sử dụng chữ Quốc Ngữ. Một bên là các chí sĩ yêu nước muốn dùng sự tiện lợi của thứ chữ có mẫu tự La Tinh để mở mang dân chí, canh tân đất nước. Một bên là Chính quyền Thực dân (Kẻ xâm lược), sau nhiều toan tính đã nhận thấy sự phù hợp trong chính sách cai trị nếu phổ cập chữ Quốc Ngữ. Rõ ràng, các bên đều thấy rõ lợi ích của mình nếu chữ Quốc Ngữ được phổ cập, cho dù mục đích chính trị khác nhau.

Lúc này, Nguyễn Văn Vĩnh mới 24 tuổi, con một gia đình nông dân nghèo, không liên quan đến Hoàng tộc, không ruộng vườn, tài sản, không được đào tạo học hành chính thống, nhưng lại có quyết tâm can dự vào cuộc cách mạng có một không hai của lịch sử. Nguyễn Văn Vĩnh không là cái gì dưới con mắt của những kẻ tài phiệt thực dân nhìn ở góc độ chính trị, nhưng lại là kẻ tiềm ẩn một năng lực và một bộ óc phi thường khi những kẻ thực dân đã từng chứng kiến những tháng ngày lao động của ông qua các cơ quan của hệ thống cai trị. Không vô cớ F.H.Schneider, danh chính là “ông chủ”, đầy đủ vốn liếng, quyền lực, vật chất đã phải lặn lội suốt 20 năm trời ở đất Nam kỳ, đã từng hợp tác với các gương mặt trí thức tiêu biểu của mảnh đất thuộc địa, lại phải cất công đến tìm và đề nghị hợp tác với một người “nhà quê” (cách tự nhận của Nguyễn Văn Vĩnh) ở xứ Bắc kỳ xa xôi là Nguyễn Văn Vĩnh!

Lịch sử luôn có những diễn biến như “trò chơi” định mệnh. Sự gắn bó giữa F.H.Schneider và Nguyễn Văn Vĩnh như hai nửa của số phận. Một bên có trí lực và hoài bão, một bên có vật chất, quyền lực và cả hai đều muốn “lợi dụng” lẫn nhau để đi đến bến bờ thành công trong cuộc sống, cho dù thành công nếu đạt được lại phục vụ hai lý tưởng khác nhau hoàn toàn về ý nghĩa chính trị.

Đông Kinh Nghĩa Thục ra đời với sự góp mặt của hầu hết các chi sĩ nổi danh đến từ miền Trung và miền Bắc Việt Nam. Tiêu chí của phong trào rất cụ thể, đó là: Khai dân chí, chấn dân khí và hậu dân sinh. Để phấn đấu cho mục đích mới mẻ này, việc dạy chữ Quốc Ngữ trở thành nhiệm vụ hàng đầu trong Đông Kinh Nghĩa Thục. Ngoài những biện pháp khác nhau để thúc đẩy công cuộc cách mạng, các chí sĩ yêu nước và cả Nhà cầm quyền, đã nhờ có sự ngộ nhận về nhau, mà quyết tâm sinh ra một đứa con tinh thần đầu tiên mang dấu ấn cực kỳ quan trọng trong đời sống văn hóa xã hội Việt Nam, đó là ngày 28.3.1907, chính thức ra đời tờ báo chữ Quốc Ngữ đầu tiên trong lịch sử văn hóa ở phía Bắc Việt Nam, tờ “ Đăng Cổ Tùng Báo”. Tờ báo chia đôi, ½ là Hán văn, ½ là Quốc Ngữ, có nội dung riêng rẽ.

Gốc của “Đăng Cổ Tùng Báo” là công báo in bằng tiếng Hán có tên là “Đại Nam Đồng Văn Nhật Báo”. Tờ báo có chủ bút là Đình nguyên Hoàng giáp Đào Nguyên Phổ (1861-1908) và Chủ nhiệm chính là F.H.Schneider. Nguyễn Văn Vĩnh được cử là Chủ bút của “Đăng Cổ Tùng Báo” phần chữ Quốc Ngữ.

Nguyễn Văn Vĩnh đã mãn nguyện bởi một năm trước đó, trong bức thư viết từ Mác Xây ngày 27.6.1906 cho Phạm Duy Tốn, ông đã giãi bày những tâm nguyện của mình về một cuộc duy tân văn hóa, ông đắm đuối tưởng tượng ra cái lý tưởng về sự nghiệp làm báo, làm văn hóa đến mức: “Ngồi mà nghĩ rằng tôi sẽ là người thứ nhất để làm cái công việc đó, để mà gây lấy một tương lai tốt đẹp đó, tôi sung sướng vô cùng…”(8). Nguyễn Văn Vĩnh cần một điểm xuất phát trong hành trình đưa chữ Quốc Ngữ lên ngôi vị thống lĩnh ở phần Bắc Việt Nam, nên việc được là chủ bút một tờ báo đầu tiên trong lịch sử, đối với ông không thể không gọi là mãn nguyện.

Ngay số báo đầu tiên của “Đăng Cổ Tùng Báo”, bài “Người An Nam nên viết chữ An Nam” thực sự mang tính tuyên ngôn của tờ báo. Bài viết xác định: “Nước Nam xưa nay vẫn có tiếng-nói, mà tiếng An-Nam lại hay được một điều là cả nước nói có một thứ tiếng… Nhưng vốn chỉ có tiếng nói, không có chữ viết; đến khi học chữ tầu, rồi mới lấy chữ tầu ghép ra thành một lối riêng, gọi là chữ nôm. Chữ nôm tuy viết quấy quá cũng thành ra giạng chữ, nhưng không có mẹo mực gì, ai muốn viết thế nào thì viết, thường phải cao-đoán mới đọc được thông… bây giờ có người Phương tây đến, bày ra chữ quốc-ngữ, chắp vần theo như chữ các nước Phương tây; có mẹo mực, ba là ba, bốn là bốn, không thể sai được mà học dễ biết là bao nhiêu; Sáng ý thì chỉ vài ngày, ngu đần thì trong một tháng cũng phải thông.”(9)

Nguyễn Văn Vĩnh đã say xưa và hưng phấn đến tột độ để chủ động nêu những kiến thức mà mình đã thu lượm được đưa lên mặt báo, hệ quả của những năm tháng tự học trên cơ sở nắm vững tiếng Pháp và tiếng Hán, nhằm thực hiện ráo riết tôn chỉ của Đông Kinh Nghĩa Thục là Khai dân chí. Ông được quyền bộc lộ hợp pháp, được quyền nói những điều mình ấp ủ, như ngày nay ta thấy một kẻ đứng trước đám đông đang bức bối và kẻ đó giành giật được chiếc micrô duy nhất của buổi tập trung đông người đó, và đó chính là vũ khí, Nguyễn Văn Vĩnh cần loại vũ khí này. Khi làm tờ báo đầu tiên, ông đã có kiến thức về thế nào là sự hấp dẫn của bố cục, nội dung và hình thức đối với một tờ báo, nhằm dẫn dắt người đọc, chứng minh với người đọc về một thứ chữ mà nếu ngu đần, học cũng chỉ mất một tháng…!

Hầu hết các chuyên mục, các bài viết với các nội dung khác nhau từ xã hội, giao thương, chính trị, y tế, giáo dục, văn hóa, an ninh, tin vắn quốc tế và trong nước, rao vặt quảng cáo…đều một tay con người đó chế tác. Nguyễn Văn Vĩnh muốn từ đây, chữ Quốc ngữ sẽ trở nên gần gũi với tất cả mọi người, nó giúp người dân đến chỗ nhận thấy loại chữ này hợp lý, dễ học quá, và khi đã đọc được, họ biết thêm được bao nhiêu điều, nhận thức được bao nhiêu thứ, chứ không phải ngơ ngác khi nhìn thấy chiếc bóng đèn điện lại thốt lên: sao cái đèn lại lộn ngược nhi?

Tờ báo với thứ chữ viết dễ học đã trở thành mối đe dọa với chính kẻ quyết định cho tờ báo ra đời. Họ sợ, đến một ngày, nó sẽ giúp những kẻ bị cai trị hiểu được vì sao mình nghèo? Vì sao mình khổ? Và sẽ lộ diện những bộ mặt chuyên hà hiếp, bóc lột và sự dối trá của những kẻ cầm quyền!

Cần phải chấm dứt hoạt động của Đông Kinh Nghĩa Thục! Phải đóng cửa tờ báo đã lợi dụng sự “hợp tác” và tinh thần “khai sáng” của Nhà cầm quyền. “Đăng Cổ Tùng Báo” đã dám trở thành cơ quan ngôn luận của một phong trào cách mạng(10).

Tháng 11 năm 1907, Nhà cầm quyền đã quyết định dặp tắt Đông Kinh Nghĩa Thục, họ bắt bớ, bỏ tù, thậm chí tử hình một số các thành viên của Phong trào. “Đăng Cổ Tùng Báo” đương nhiên phải chấm dứt hoạt động. Sự nghiệp khai dân trí có quy mô lớn đầu tiên của đất nước bị phá bỏ.

Phẫn nộ và bất mãn đến cao độ, ngày 11.12.1907, Nguyễn Văn Vĩnh đã viết văn bản gửi đến ngài Hauser là Đốc lý Hà Nội phản đối gay gắt chính quyền đương thời, đồng thời khẳng định lý do đã thúc đẩy ông tham gia phong trào này: “… lần đầu tiên tôi xuất hiện ở nhà trường là ngày 15 tháng 3 âm lịch… phần 2 của lời phát biểu của tôi là dành cho chữ quốc ngữ, tôi đề nghị lấy nó làm chữ viết dân tộc và là cơ sở cho nền giáo dục bản xứ… đó là tất cả tội của tôi. Tôi nhắc lại là vì tôi đã muốn cải cách giáo dục mà không nhờ đến chính quyền…”(11)

Đau xót vì lý tưởng vừa được thực hiện đã bị Nhà cầm quyền quân phiệt, độc tài dập tắt, Nguyễn Văn Vĩnh đã lớn tiếng kết án hành vi của những kẻ chỉ đạo:

việc đóng cửa Đông kinh Nghĩa thục là một sự trả thù hèn hạ… tôi xin phép được nói là biện pháp vừa thi hành là vô chính trị.”(12)

Vậy F.H.Schneider đã làm gì để “an ủi” Nguyễn Văn Vĩnh? Về bản chất, lúc này ông ta cũng chẳng yên tâm để chia tay với “mối duyên” Trời định! Xét đến gốc rễ, Schneider đã ở Việt Nam hơn hai chục năm trời với mục đích chiến lược là tạo dựng nghành in ấn và phát hành báo chí. Nhưng cho đến thời điểm gặp được Nguyễn Văn Vĩnh, hợp đồng của ông ta với Chính phủ Thuộc địa vẫn đang dang dở…Làm sao ông ta không “tiếc nuối” quãng thời gian hơn hai chục năm trời?! Đặc biệt là, khi nghị định của Chính phủ Thuộc địa mới ra đời, muốn người dân An Nam phải dùng chữ Quốc Ngữ. Vậy mà, vừa được thử nhiệm, nó đã bị lợi dụng. Nhất là khi “Họ” vừa “tóm” được Nguyễn Văn Vĩnh, một chàng trai đang xung mãn sức lực, tâm huyết với mục đích lý tưởng đến mức dám đánh đổi tất cả, hẳn sẽ phải là một loại công cụ hữu hiệu đắt giá cho chính quyền chứ?

Còn với Nguyễn Văn Vĩnh, ông vừa mới đi được ½ bước trên con đường mình đã chọn mà đã bị khủng bố, bị bóp nghẹt, làm sao không phẫn nộ, làm sao lại bỏ dở?!

Nhà cầm quyền, Schneider và Nguyễn Văn Vĩnh đã lặng lẽ tìm mọi giải pháp để nhân nhượng, để thỏa hiệp với nhau, thực chất là để tiếp tục “lợi dụng” lẫn nhau để cùng tìm đến một giải pháp lâu dài. Cuộc sống thật khó để rạch ròi, minh bạch rằng thế nào và đâu là biên giới của sự lợi dụng?!

HẾT PHẦN MỘT

Phần 2

Chú thích:

  1. Sách Giáo trình Hán Nôm, tập 2 (tập chữ Nôm), Bộ môn Hán Nôm trường Đại học Tổng hợp Hà Nội biên soạn, Nhà xuất bản Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp, Hà Nội, 1990. Trang 8-9.

 

  1. Quan điểm của tác giả Thăng Long trong bài “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt hay triệt tiêu” báo Người Đại Biểu Nhân Dân ra ngày 30.7.2013.
  2. Hệ chữ cái Roman được sử dụng ở các quốc gia: Aragon – Asturias – Bồ Đào     Nha – Bồ Đào Nha cổ – Bổ trợ Quốc tế – Catalan – Galicia – Latinh – Napoli – Oc – Papiamento – Pháp – Romana – Tây Ban Nha – Ý. (Theo BKTT-Wikipedia).
  3. Alexandre de Rhodes (1591-1660). Trong sử Việt Nam được gọi là Giáo sĩ Đắc Lộ. Ông sinh ở thành phố Avignon-Pháp. Gia đình là dân Do Thái. Ông là nhà truyền giáo Dòng Tên và là nhà ngôn ngữ học. Cha Đắc Lộ đến Hội An-Việt Nam lần đầu tiên là năm 1625. Ông bị Chúa Nguyễn trục xuất khỏi Việt Nam năm 1645.
  4. Nguồn: bài “Trương Vĩnh Ký một trí thức buồn” của Hồng Lê Thọ viết nhân ngày giỗ lần thứ 110 (1.9.2008) trên trang
  5. Bức thư này được nhà văn Vũ Bằng cho đăng lại trên tờ báo Trung Bắc Chủ Nhật số 206 ra ngày 11.6.1944 ra ở Hà Nội.
  6. Khẩu hiệu của cuộc Cách mạng Tư sản Pháp, lật đổ vĩnh viễn chế độ Phong kiến, kéo dài từ 1789 đến 1799. Cuộc cách mạng này còn được gọi là Công xã Paris lần thứ nhất.
  7. Bức thư này được nhà văn Vũ Bằng cho đăng lại trên tờ báo Trung Bắc Chủ Nhật số 205 ra ngày 4.6.1944 ra tại Hà Nội.
  8. Trích nguyên văn trong số báo đầu tiên của “Đăng Cổ Tùng Báo” (tannamtu.com).
  9. Thời gian tồn tại của tờ “Đăng Cổ Tùng Báo” gần bằng thời gian hoạt động của phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục (Khoảng 9 tháng).
  10. 12. Đốc lý là chức danh chỉ dùng cho các đơn vị hành chính lớn và quan trọng. Nhỏ hơn, được gọi là Tòa xứ. Ngài Hauser là Đốc lý Hà Nội từ tháng Hai năm 1907 đến tháng 4.1908. Bức thư Nguyễn Văn Vĩnh gửi cho Hauser hiện đang được lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Hải ngoại Quốc gia Pháp CAOM ở thành phố Aix en provence và được chủ nhiệm trang web tannamtu.com chụp lại bằng máy ảnh. Người dịch: Nguyễn Đình Cung.

One Response

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tìm kiếm

March 2024
M T W T F S S
 123
45678910
11121314151617
18192021222324
25262728293031
March 2024
M T W T F S S
 123
45678910
11121314151617
18192021222324
25262728293031

Social Network