Cuối năm nhìn lại

Một năm kết thúc, nhìn lại những gì đã qua, thông thường không thể không có sự kiểm điểm. Chúng tôi xin được chia sẻ với các quý vị là bạn đọc của trang web. Tannamtu.com về năm 2013 đã đem đến điều gì với đề tài học giả Nguyễn Văn Vĩnh.

Khi còn là người lính, tôi sống lâu nhất ở hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị (1972, 1973, 1974, 1975 và hết năm 1976). Cũng như hàng ngàn, hàng vạn những đồng đội khác, ai đã sống ở hai địa bàn này, đều ghi xương khắc cốt những câu chuyện đời thường của người dân nơi đây, những câu chuyện mộc mạc đến mức ngộ nghĩnh diễn ra hàng ngày của người dân địa phương và với con mắt của những người lính, nó được “tô vẽ” lên một chút để cuộc sống thêm hài ước, tăng tính lạc quan nơi lửa đạn, và người ta bảo nhau rằng đó là chuyện “tiếu lâm Quảng Bọ”!

Riêng với tôi thì không! Tôi tuyệt nhiên không nghĩ các câu chuyện đó là “tiếu lâm”. Tôi nhớ rất nhiều những câu chuyện mà người đời đã gán cho là tiếu lâm đó. Tôi xin khẳng định nhân danh là người được sống, được chia sẻ, được chứng kiến lối suy nghĩ, tính cách và bản chất của người Quảng Bình rằng, hoàn toàn không hề là tiếu lâm hay đùa cợt. Những giai thoại về cách hành xử của người dân Quảng Bình trong chiến tranh mà ai đó đã từng nghe kể lại chỗ này, chỗ kia là những câu chuyện thật một cách bình thường. Người nào gọi những câu chuyện nói về cách hành xử của người dân Quảng Bình là chuyện tiếu lâm vì họ thuần túy chỉ nhìn ở góc độ hình thức trước nội dung của một câu chuyện mà thôi.

Một lần, khi chúng tôi đến ở nhờ một gia đình ở xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, người chủ nhà mà chúng tôi gọi theo tiếng địa phương là bọ (bố), ngồi tâm sự với tôi về chuyện chiến sự, chuyện chính trị. Thủ thỉ hồi lâu, chuyện xã hội, chuyện bộ đội, chuyện gạo nước… bỗng bọ nói giật giọng:

-Chú Bìn (bọ gọi tôi là Bin, vì phát âm mất âm h), răng (vì sao) mấy chú tin Đảng quá Trời!

Tôi giật mình, thậm chí hơi hoảng hốt,  không phải vì sự giật giọng của bọ, mà vì nội dung câu hỏi bọ nêu.

Tôi chất vấn lại bọ một cách dè dặt:

Vậy nếu bọ không tin Đảng, thì bọ tin ai?

Bọ phản ứng:

Đảng nói có đúng mô (đâu)? Khi mô Đảng cũng nói: “Khó khăn là nhất thời, thuận lợi là cơ bản!”. Có mô?! với “tui” nớ, khó khăn là cơ bản, thuật lợi chỉ là nhất thời thui ! Chao ơi là vất vả…

Tôi lặng người, thoáng nghĩ, vấn đề này có lẽ bọ nói đúng, phải xem lại…!

Hơn bốn chục năm qua đi, có bao nhiêu bài học tôi học được trong đời, ở các miền đất, các dân tộc khác nhau mà tôi từng được gặp và từng được sống với…Nhưng bài học khi còn là lính và quãng đời sống với người dân Quảng Bình luôn có một chỗ riêng trong vốn sống của mình. Tôi học được từ người Quảng Bình rất nhiều cách lý giải, cách quy chiếu, cách nhìn cuộc sống.

Hôm nay, nhắc lại câu chuyện này vì theo tôi, nó mang tính kinh điển. Tôi vẫn thầm nhủ rằng, có lẽ, người Quảng Bình là cộng đồng dân cư hay triết lý nhất trên đất nước Việt Nam này. Tôi dám chắc như vậy!

140119_Maitanghoa

Ông Pascal Delohen, người dày công chép các bài bào của Nguyễn Văn Vĩnh 

viết bằng tiếng Pháp trên báo L’ Annam Nouveau (Nước Nam mới) ra bản mềm để in sách..

Cháu Phương Mai, thế hệ thứ tư của học giả Nguyễn Văn Vĩnh, thay mặt gia tộc lên tặng hoa và cám ơn ông Pascal trong buổi hội thảo ngày 24.10.2013 tại Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace ở Hà Nội.

Năm 2013, ở mọi lĩnh vực, mọi thành phần xã hội, mọi vùng miền, đều rên rỉ vì quá nhiều khó khăn, quá nhiều trở ngại phong tỏa trên mọi nẻo đường của cuộc sống (Trừ nhóm người kinh doanh bia hơi). Hoàn cảnh như thế, môi trường như vậy, làm sao công việc của chúng tôi thuận lợi được?! Đó là chưa nói đến tính phi lợi nhuận mà nội dung công việc của chúng tôi theo đuổi. Đó là chưa nói đến ảnh hưởng của tư duy lối sống thực dụng mà xã hội tạo nên, và cũng là chưa nói đến đôi ba gương mặt vẫn ngấm ngầm gây tác động tiêu cực, nhằm hạn chế những bước tiến mà chúng tôi đã đạt được và có khả năng sẽ đạt được trong đề tài phục dựng chân dung thật của học giả Nguyễn Văn Vĩnh.

Vậy, nhưng năm 2013 vẫn là năm chúng tôi đã tạo được dấu ấn cho sự nghiệp của mình. Dù gì, không thể phủ nhận rằng, chúng tôi vẫn có những may mắn, và những may mắn đó đến từ tấm lòng của những người có tâm và có trách nhiệm với lịch sử, với sự thật và với danh dự của học giả Nguyễn Văn Vĩnh. Chúng tôi biết ơn sâu sắc những giá trị đó!

Tháng Ba năm 2013, ông Chu Hảo, Giám đốc Nhà Xuất bản Trí thức quyết định hợp tác với chúng tôi để in cuốn sách đầu tiên của học giả Nguyễn Văn Vĩnh có nội dung viết về làng xã nông thôn Việt Nam của nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh đăng trên tờ báo “L’Annam Nouveau” 1931-1936.

Tháng Năm 2013, Nhạc sỹ Dương Thụ, người có tấm lòng với đời sống văn hóa, khi biết tin về việc sẽ in sách của Nguyễn Văn Vĩnh, ông lập tức tổ chức buổi tọa đàm ở Hà Nội, tại “Sa lông Cà phê sách thứ Bẩy”. Khó hình dung được sự kiện này lại cuốn hút mối quan tâm của nhiều cơ quan báo chí và một bộ phận những người làm văn hóa trong xã hội. Chính sự việc này đã đặt lên vai chúng tôi một yêu cầu vô cùng gay gắt và không thể đừng, rằng phải hoàn thành việc xuất bản sách trong năm 2013.

Lần đầu tiên chúng tôi làm một công việc chưa bao giờ làm, lần đầu tiên thực hiện một công việc mà nhiều, rất nhiều người làm nghiên cứu lịch sử văn hóa muốn làm, xong chưa ai dám làm, hoặc làm nhưng chưa tới.

Khó khăn không kể hết được. Kinh nghiệm cuộc sống cho tôi thấy, ở xã hội hiện tại, khi làm một việc lớn, phải được nhiều người đồng thuận. Nhưng nếu đem bàn rộng để tìm sự đồng thuận trước một đề tài quá khó, thì chính việc cần nhiều người đồng thuận sẽ dễ trở thành bước cản…Và sẽ lại “khó” hơn vô vàn. Tuy nhiên, nếu cứ tự quyết để thực hiện, mà thực hiện không tốt, sẽ lại trở thành điều tai tiếng. Tóm lại, nếu thấy sợ vì điều gì đó trước khi hành động, thì tốt nhất là đừng làm! Cần quyết định chính xác và hành xử cương quyết. Hơn nữa, ở đời, cái gì dễ đã chẳng đến lượt mình…!

Hợp đồng được ký với Nhà Xuất bản. Dữ liệu đã được mua khá đủ, tìm người chép bài từ báo cũ in tiếng Pháp, chép ra bản mềm rồi, phải rà soát chính tả, gửi người dịch sang tiếng Việt. Dịch rồi phải hiệu đính, chỉnh sửa ngữ pháp, cân nhắc bố cục của cuốn sách, tư liệu minh họa, trang trí phục vụ cho việc thiết kế bìa, viết lời giới thiệu, chú thích và chú giải…rồi thanh toán các khoản kinh phí kịp thời, xin ý kiến các tác giả có bài được sử dụng trong cuốn sách cho phép dùng những tài liệu dự kiến. Thấp thỏm chờ đợi sự cấp phép của cơ quan có thẩm quyền…

Cảm nhận của tôi trong quá trình làm những cuốn sách đầu tiên này, nó còn gian nan về tinh thần hơn rất nhiều nếu so với khi đi làm bộ phim tài liệu “Mạn đàm về Người Man di hiện đại” năm 2006.

Thế rồi, tháng Chín năm 2013, những cuốn sách đầu tiên về Nguyễn Văn Vĩnh và của Nguyễn Văn Vĩnh đã ra đời.

140119_anhhoasen

Ông Nguyễn Lân Bình phát biểu trước buổi chiếu phim về học giả Nguyễn Văn Vĩnh tổ chức ngày 21.11.2013 tại trường đại học Hoa Sen, thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 4.10.2013, buổi lễ ra mắt chính thức 3 cuốn sách đầu tiên về học giả Nguyễn Văn Vĩnh được tổ chức tại Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam với sự có mặt của ba cơ quan truyền thông lớn là: TTX Việt Nam, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam và hàng chục các phóng viên của câc báo.

Ngày 24.10.2013, Trung tâm Văn hóa Đại sứ quán nước Cộng hòa Pháp tại Hà Nội L’Espace kết hợp với Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh và Nhà Xuất bản Trí thức đã tổ chức buổi hội thảo bàn về nội dung của ba cuốn sách về Nguyễn Văn Vĩnh xuất bản lần đầu tiên ở Việt Nam.

Ngày 21 và 22.11.2013, tại trường Đại học Hoa Sen thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức chiếu bộ phim tài liệu “Mạn đàm về Người Man di hiện đại” cùng với buổi tọa đàm về nội dung của ba cuốn sách về Nguyễn Văn Vĩnh.

Ngày 24.11.2013, “Sa lông Cà phê sách thứ Bẩy” tại thành phố Hồ Chí Minh, nhạc sỹ Dương Thụ lại đứng ra tổ chức buổi giao lưu với những người yêu sách chủ đề: “Những cuốn sách đầu tiên về Nguyễn Văn Vĩnh ra đời như thế nào?!”.

Chỉ trong một tháng sau khi ba cuốn sách có mặt trước các độc giả, lần đầu tiên, trong đời sống văn hóa ở Việt Nam, tất cả các cơ quan truyền thông từ Trung ương đến địa phương, từ các đài truyền hình đến các báo giấy, từ các trang mạng xã hội đến các blog cá nhân cả ở trong và ngoài nước, đã lần lượt đưa tin, bình luận và làm phóng sự về sự kiện lần đầu tiên trong lịch sử xuất bản ở Việt Nam in sách về Nguyễn Văn Vĩnh, đồng thời xác nhận: đây là những cuốn sách ĐẦU TIÊN nói về cuộc đời và sự nghiệp của học giả Nguyễn Văn Vĩnh.

Dư luận đã thực sự cảm nhận được Nguyễn Văn Vĩnh là ai? Và vì sao lại có mệnh đề “Người Man di hiện đại?!”

Dồn nén các diễn biến trong năm 2013 liên quan đến việc phục dựng chân dung chân chính của học giả Nguyễn Văn Vĩnh, nhân dịp Tết Giáp Ngọ, hai tờ báo Xuân có tiếng ở Việt Nam là An ninh Thế giới và Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh đã cho đăng bài dài, in trang trọng với những bức ảnh minh họa vừa có nội dung sâu đậm, vừa có chất lượng, nhằm nhấn mạnh với dư luận xã hội rằng không thể không tôn vinh những đóng góp có một không hai trong lịch sử phát triển văn học và văn hóa trong thế kỷ XX ở Việt Nam của nhà yêu nước Nguyễn Văn Vĩnh!

Ba cuốn sách đầu đời với đề tài Nguyễn Văn Vĩnh, nhìn lại còn không ít khiếm khuyết trong lĩnh vực kỹ thuật xuất bản, trong công tác biên tập và sắp đặt bố cục của một cuốn sách, cũng như việc trình bày chú giải.

Tuy nhiên, xin được khẳng định rằng, nếu vẫn tiếp tục đi tìm kiếm sự chỉnh chu, hoàn thiện và tính khoa học cao của một tác phẩm in, sẽ không rõ đến ngày nào, thế hệ trẻ mới biết trong lịch sử phát triển văn hóa ở Việt nam, có một người Việt Nam là thiên tài đích thực, có một Nguyễn Văn Vĩnh với ý nguyện cùng tài năng thiên bẩm của mình, đã thành tâm đến tận gốc việc quyết chí làm cách mạng, làm thay đổi triệt để lối tư duy tiểu nông cố hữu ngàn đời của một dân tộc để có được cách tư duy khoa học và trí tuệ, làm cơ sở để đưa quốc gia này trở thành một đất nước tiến bộ, phát triển, có vị thế trên bản đồ khu vực và Thế giới.

Trong vô vàn những buổi giao lưu giữa tôi và các đối tượng xã hội khác nhau, ở những địa điểm khác nhau, tôi luôn bắt gặp một câu hỏi giống nhau của những người trẻ tuổi rằng: Vì sao bây giờ, hôm nay chúng cháu mới được biết đến Nguyễn Văn Vĩnh? Vì sao???

Theo tôi, cuộc đời không phải thứ để tiếc nuối nếu như ta không làm được những điều gì đó có ích cho nhiều người.

Lại một năm đi qua, những khó khăn vẫn nguyên vẹn. Nhưng nếu vì khó mà chùn bước, thì cả cuộc đời khi qua đi, có được gọi là cuộc đời không? Sự nghiệp của học giả Nguyễn Văn Vĩnh, theo nhìn nhận của riêng tôi, hình như chưa khi nào có gì dễ dàng đối với ông, và nếu vì quá khó mà quay lưng thì liệu ông có để lại được nhiều đến như vậy cho kho tàng văn hóa trí thức của dân tộc này, của đất nước này hay không?

Để kết thúc những tâm sự năm cũ, chúng tôi xin thông qua diễn đàn này thành thật xin lỗi các độc giả vì những thiếu sót, cũng như việc duy trì tính sinh động của nội dung trang web đã chưa đạt được chất lượng cần thiết. Khó khăn thật sự nhiều mà chúng tôi không tiện để giãi bày trong bối cảnh hiện tại.

Từ trong đáy lòng, chúng tôi xin được gửi đến tất cả các bạn độc giả, những cộng sự, bạn bè xa và gần, những người họ hàng ruột thịt lời cảm ơn sâu nặng về những giúp đỡ, chia sẻ, sự ủng hộ và cổ vũ theo nhiều cách khác nhau. Tất cả các quý vị chính là khối năng lượng khổng lồ đã giúp chúng tôi đi từng bước ngắn, nặng nhọc nhưng luôn hướng về phía trước trong đề tài học giả Nguyễn Văn Vĩnh.

Tôi rất tâm đắc với một lời chúc năm mới của một người mới quen, tôi xin được phép dùng lại lời chúc này của giáo sư Vũ Đức Vượng hiện ở San Francisco đã gửi đến tôi nhân dịp năm mới Giáp Ngọ 2014.

Một năm Ngựa khỏe bên trong, oai dũng bên ngoài và ruột thẳng như Ngựa.

Kính trọng!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Tìm kiếm

April 2024
M T W T F S S
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
2930  
April 2024
M T W T F S S
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
2930  

Social Network